Thứ năm, 28/03/2024, 15:10
CHUYÊN NGHIỆP - KỶ CƯƠNG - NĂNG ĐỘNG - SÁNG TẠO - HIỆU QUẢ

Vấn đề nhánh tộc người S’tiêng ở Bình Phước - Bài 1

Thứ ba - 18/05/2021 04:46 1.514 0
Người S’tiêng ở Bình Phước là một tộc người vừa mang đặc điểm xã hội phụ hệ, vừa mang đặc điểm của xã hội mẫu hệ (song hệ) với các nhánh địa phương khác nhau. Văn hóa - xã hội của tộc người S’tiêng ở các nhánh địa phương có những điểm khác nhau tương đối về ngôn ngữ và phong tục. Vì vậy, việc chia tộc người S’tiêng thành các nhánh địa phương chỉ mang tính tương đối. Điều quan trọng là nhận diện đúng đặc trưng văn hóa và định vị đúng các nhánh địa phương đó. Nội dung bài viết sau đây sẽ giới thiệu và làm rõ hơn một số vấn đề nêu trên.

ĐỊNH VỊ VÀ NHẬN DIỆN ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NGƯỜI S’TIÊNG

Trong nhiều công trình nghiên cứu của tác giả nước ngoài, các tác giả không chia tộc người S’tiêng thành các nhánh cụ thể. Tác giả Henri Maitre (“Les Jungles Moi”: rừng người Thượng) công trình nguyên bản bằng tiếng Pháp được nhà xuất bản Esmile Larose công bố tại Pari năm 1912 (Lưu Đình Tuân dịch năm 2008) viết khá nhiều về các tộc người trên đất cao nguyên, trong đó có đề cập đến sự phân bố của tộc người S’tiêng: “Họ sống trên toàn bộ hinterland của thượng Nam Kỳ và Đông Cambodge; họ trải rộng trên thượng lưu sông Bé và các chi lưu của nó. Về phía Tây tới khu vực thượng lưu sông P.Tchlong (Prek Tchlong - con sông bên Campuchia), trên đó họ có tràn ra một ít và trên thượng lưu sông Sài Gòn; về phía Đông họ dừng lại ở sông Rlap, chi lưu của sông Bé” (tr.144).
Henri Maitre không xác định tộc người S’tiêng có bao nhiêu nhánh, nhưng có đề cập đến một số nhánh: “người ta vẫn chưa biết liệu người S’tiêng có phân chia thành bộ lạc không. Ở phía Bắc, họ kéo ra thành nhánh phụ, dường như có họ hàng với họ, đó là bộ lạc người Bu Dèh, chiếm một phần nhỏ ở luu vực trung lưu sông Đak Glung (thượng nguồn sông Bé). Tuy nhiên, những người Bu Dèh này lại làm nhà theo kiểu Mnông và họ là thứ bộ lạc hỗ hợp giữa S’tiêng và Mnông, họ hiểu cả hai phương ngữ” (tr.144). Henri Maitre không định vị rõ nên khó xác định địa danh này hiện nay thuộc xã nào của Bình Phước. Tuy nhiên, dựa vào đặc trưng văn hóa của người S’tiêng, có thể suy luận đây là nhánh S’tiêng Bu lơ (không phải nhánh S’tiêng Bu lơ trung gian - S’tiêng Bu lơ quanh núi Bà Rá), họ đã có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa nên văn hóa bị hỗ hợp giữa S’tiêng và Mnông.
Để nhận diện, định vị chính xác từng nhánh, phân biệt sự khác nhau giữa các nhánh người S’tiêng thì 2 yếu tố quan trọng nhất làm cơ sở xem xét chính là ngôn ngữ và phong tục trong hôn nhân, gia đình. Trong ảnh: Đồng bào S’tiêng múa hát tại lễ hội - Ảnh minh họa: Đức Hòa
 
Henri Maitre còn đề cập đến nhánh người Bhiêt (tác giả viết Phiêt, Bhiat hay Piak) và người Ksèh. Theo tác giả, đây là nhóm tộc người Mnông sinh sống bên Campuchia và sát tận sông Mékong (tr.144-145). Trong đó, tộc người Ksèh chỉ có vài làng trong thung lũng sông Dak Pam, chi lưu bên bờ trái sông Prek Tchlong, ngôn ngữ pha trộn giữa Mnông và S’tiêng, làm nhà cũng theo kiểu Mnông và S’tiêng, người Ksèh cho mình là tộc một người độc lập, nhưng họ thường xuyên bị tộc người S’tiêng cướp phá, bắt người (tr.145). Ngoài ra, theo Henri Maitre còn có nhánh Dip. Theo Henri Maitre, bộ lạc này sinh sống trên lưu vực sông Dak Rlâp và bờ phải đoạn trung lưu sông Dak Dơng (sông Đồng Nai). Phương ngữ của tộc người này chuyển tiếp giữa tiếng Mạ và tiếng S’tiêng, tạo ra sắc thái rất phức tạp (tr.147).  
Nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ, kiểu nhà ở thì rất khó để nhận diện đây là nhóm tộc người nào. Vì các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (Mnông, S’tiêng, Mạ, Chơro) ngôn ngữ rất gần nhau. Hơn nữa, họ sinh sống trong khu vực Nam Trường Sơn - Tây nguyên (Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng) không những không bị biệt lập mà còn có sự giao thoa văn hóa nên bị pha trộn là đương nhiên. Từ đặc điểm văn hóa có thể suy luận, nhóm người Bhiêt này có thể là nhánh Bu biêt (Mnông Bhiêt hay S’tiêng Bu biêt), nhánh này phần lớn sinh sống bên Campuchia, một số sinh sống dọc sông Đak Quýt (Dak Huyt, dọc biên giới giữa Campuchia và Việt Nam). Còn nhóm Dip, đây thuộc nhánh S’tiêng Bu lơ, do sự giao thoa về văn hóa nên phương ngữ của tộc người này chuyển tiếp giữa tiếng Mạ và tiếng S’tiêng.
Các tác giả Cửu Long Giang và Toan Ánh (Cao nguyên miền Thượng, 1974) là những người đã chia tộc người S’tiêng thành bốn nhánh, đó là: Budip, Budêh, Bu lach và Bu lơ (tr.379) nhưng không định vị cụ thể từng nhánh người S’tiêng. Về sau rất nhiều tác giả dựa theo cách chia này khi nghiên cứu về văn hóa người S’tiêng, có tác giả chia tộc người S’tiêng thành ba nhánh (Bu lơ, Bu dêh và Bu biêt), có tác giả chia làm hai nhánh: Bu lơ và Bu dêh (gộp nhánh Bu biêt và Bu lach vào nhánh Bu lơ) và cũng không nhận diện rõ văn hóa, định vị đúng từng nhánh người S’tiêng. Cách chia của Cửu Long Giang và Toan Ánh có một số vấn đề cần phải bàn. Thứ nhất đối với nhánh Bu lach (Bu lach hay Bu lac), viết đúng là Bu las (đây không phải là người Lạc ở Lâm Đồng) mà là nhánh  người S’tiêng sinh sống ở trảng cỏ Bu lach, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Nhánh này có thể xếp vào nhánh Bu lơ (vùng cao) hay xếp vào nhánh S’tiêng ven sông Đồng Nai (Bơl Dak Dơng), thậm chí có thể xem xét có thuộc nhánh Dip hay không. Thứ hai là, các tác giả chưa đề cập đến nhánh Bu biêt, đây là nhánh chủ yếu sinh sống bên Campuchia nên việc chia thành 4 nhánh vừa thiếu, vừa thừa.
Phụ nữ S’tiêng các xã Thống Nhất, Phước Sơn, huyện Bù Đăng đánh chiêng
 
Việc nhận diện văn hóa và định vị từng nhánh người S’tiêng không chính xác sẽ dẫn đến nhận xét sai về đặc điểm văn hóa - xã hội của từng nhánh (mỗi nhánh có những phong tục khác nhau). Để nhận diện, định vị chính xác từng nhánh, phân biệt sự khác nhau giữa các nhánh người S’tiêng thì 2 yếu tố quan trọng nhất để làm cơ sở xem xét chính là ngôn ngữ và phong tục trong hôn nhân, gia đình. Về mặt tổ chức xã hội truyền thống, phong tục hôn nhân và gia đình: nhánh S’tiêng Bu lơ vùng trung gian theo chế độ phụ hệ rõ nét, bao gồm người S’tiêng khu vực quanh núi Bà Rá và các xã: Phú Nghĩa, Phú Văn, Đức Hạnh, Đắk Kia, Bình Thắng, Phước Minh chạy dài sang phía Đông Nam và phía Nam, Tây Nam của huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú. Còn Bu lơ vùng giáp Mnông lại có yếu tố mẫu hệ và người S’tiêng Bu dêh thuộc nhóm mẫu hệ.   

Trong công trình “Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985”, tác giả Phan An đã chia nhánh Bu lơ, Bu dêh với dân số và phạm vi cụ thể. Trong đó, nhánh Bu lơ có 3 xã Thọ Sơn, Đắk Ơ, Đắk Nhau (thuộc huyện Phước Long cũ: Thị xã Phước Long, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng) với dân số 10.000 người. Tác giả Phan An xếp người S’tiêng thuộc các xã: Đức Hạnh, Đa Kia, Phước Tín, Phước Bình, Bù Nho (thuộc huyện Phước Long cũ) với dân số khoảng 10.000 người là nhánh Bù dêh. Và, nhánh Bu dêh còn lại là các xã: Lộc Khánh, Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) với dân số 6.000 người; xã An Khương, xã Phước An (Bình Long cũ) với dân số 12.000 người (Phan An 1985, tr.89). Nếu dựa vào đặc trưng văn hóa của nhánh Bu lơ và Bu dêh thì cách chia này chưa chính xác. Vì người S’tiêng tại các xã Đức Hạnh, Đa Kia, Phước Tín, Phước Bình (Phước Long cũ) thuộc nhóm xã hội phụ hệ (trừ S’tiêng Bu lơ có sự giao văn hóa với người Mnông mới theo mẫu hệ). Còn nếu dựa vào đặc điểm không gian cư trú (trên, dưới, vùng cao, vùng thấp) thì cách chia này chấp nhận được, vì người S’tiêng ở vùng trên sẽ gọi người S’tiêng vùng dưới là Bu dêh và ngược lại. Cách chia này theo nghĩa hẹp.

Dựa vào đặc điểm lịch sử tộc người, sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ, phong tục hôn nhân và gia đình thì chia tộc người S’tiêng thành 3 nhánh là hợp lý hơn gồm: Bu lơ, Bu dêh, Bu biêt. Vì nhánh Bu las là nhánh người S’tiêng trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai thuộc nhánh Bu lơ; nhóm Budip cũng thuộc nhánh S’tiêng Bu lơ. Còn nhóm Bu biêt, đây là nhóm S’tiêng sinh sống chủ yếu ở Campuchia, một số sinh sống dọc sông Đak Quýt chịu ảnh hưởng văn hóa Khmer nên có thể xếp vào một nhánh riêng.

Qua khảo sát thực tế, người S’tiêng Bu lơ (trung gian, quanh núi Bà Rá) ít ảnh hưởng văn hóa của các tộc người khác. Còn người S’tiêng Bu lơ (gần Mnông) có ảnh hưởng văn hóa Mnông và người S’tiêng Bu dêh có ảnh hưởng văn hóa Khmer, điều này biểu hiện khá rõ trong ngôn ngữ, phong tục hôn nhân và gia đình, sử dụng nhạc cụ cồng chiêng.
 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết thông tin

Các đơn vị sự nghiệp

 
Untitled 1

TTVH1
TDTT1
BT1
TV1
DC1
 

BC

Báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch 9 tháng đầu năm Phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023

Thời gian đăng: 09/10/2023

lượt xem: 625 | lượt tải:134

Số 2021/KL-SVHTTDL

Kết luận thanh tra chấp hành quy định pháp luật về chuyên môn, tổ chức cán bộ, tài chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Bảo tàng tỉnh

Thời gian đăng: 15/08/2023

lượt xem: 833 | lượt tải:160

18/2023/QĐ-UBND

Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/11/2023

lượt xem: 480 | lượt tải:76

TL52

Thể lễ cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 (năm 2023)

Thời gian đăng: 28/02/2023

lượt xem: 1530 | lượt tải:203

355/ĐL-SVHTTDL

Điều lệ Giải Việt dã truyền thống tỉnh Bình Phước năm 2023

Thời gian đăng: 23/03/2023

lượt xem: 1485 | lượt tải:200
Thông tin dịch vụ công
Công tác tuyên truyền
dichvucong
Công tác thanh niên
http://chinhphucdinhcaobara.vn/vi/
VNeID
covid 19
app bluezone
UPU
banner 300x150 PA2
Thống kê
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay12,599
  • Tháng hiện tại396,531
  • Tổng lượt truy cập7,967,733
ĐÁNH GIÁ ĐỘ HÀI LÒNG

Mức độ hài lòng của bạn thế nào?

global html

SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm: Phó Giám đốc phụ trách Trần Thế Anh
Địa chỉ: Số 778, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Phone/fax: 0271.3883160 - Email của Sở: svhttdl@binhphuoc.gov.vn
Email BBT: Banbientapsovhttdlbinhphuoc@gmail.com

web basic 2x
ipv6 ready
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây