Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Phước

https://vhttdlbinhphuoc.gov.vn


Hồ Suối Giai - vẻ đẹp hoang sơ

Khi xưa, nơi đây là thượng nguồn của một dòng suối nhỏ chảy qua những vùng đất trũng, hoang vu bên cạnh vườn cao su cho đầy nhựa trắng thuộc Nông trường cao su Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (cũ). Đến năm 1978, huyện Đồng Phú xây dựng đập thủy lợi, mà người dân hay gọi là đập tràn Tân Lập, nhằm mục đích trữ nước và cung cấp nước cho nông trường, người dân nơi này.

“Mặt hồ thấp thoáng bóng giai nhân
Xuống Suối Giai xưa rủ bụi trần
Cảnh đẹp nên thơ Đồng Phú gọi
Hãy về thưởng ngoạn chớ phân vân!”.

Hồ Suối Giai trải dài từ thị trấn Tân Tiến đến địa phận xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước và chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80km về phía Tây Bắc. Hiện hồ Suối Giai vẫn giữ được nét đẹp thiên nhiên hoang sơ.

“Suối của những giai nhân giáng trần”

Thời còn học ở Trường cấp II-III Đồng Xoài, cứ mỗi dịp được nghỉ học, Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) hoặc tết Dương lịch, đám trò nhỏ chúng tôi thường theo thầy, cô đạp xe xuống đây để chụp hình, vui chơi. Mặc dù từ Đồng Xoài đến đập hơn 20km, đi và về mất gần một ngày nhưng lúc đó ai cũng vui. Bởi quanh Đồng Xoài khi ấy không có điểm vui chơi nào ngoài suối Lam ở Thuận Phú (huyện Đồng Phú) hoặc xa hơn là đi xe máy xuống Tà Lách thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Sở dĩ chúng tôi biết được đập tràn Tân Lập và hồ Suối Giai là do ngày trước có chương trình hỗ trợ tăng gia sản xuất giữa các công ty cao su với trường học. Vào những ngày nghỉ hoặc cuối tuần, cô, trò các ở trường cấp II-III mang theo cuốc, rựa được xe ca đưa đón đi hỗ trợ làm cỏ cao su cùng các công nhân nông trường. Mỗi lần như vậy thường là đi cả ngày, ăn trưa tại các vườn cao su, không khí rất hăng say, rôm rả. Vào những buổi chiều được nghỉ sớm, để thư giãn, xe đưa chúng tôi tham quan ngắm cảnh. Do đó mới biết đập tràn Tân Lập, hồ Suối Giai và đó là những kỷ niệm không phai mờ trong ký ức của đám học sinh chúng tôi thời ấy.

Hiện hồ Suối Giai có cơ bản các dịch vụ phục vụ khách tham quan và thưởng ngoạn cảnh sắc sông nước

Theo những người dân địa phương kể lại, tên gọi “Suối Giai” có nghĩa là “Suối của những giai nhân giáng trần”. Quanh hồ không có nhiều dân sinh sống, nước trong xanh quện với đất đỏ bazan xen lẫn vườn cao su của các nông trường, vườn điều bạt ngàn thẳng tắp của người dân trồng xung quanh soi bóng xuống mặt hồ tạo nên cảnh đẹp như tiên cảnh. Nhiều người thích thú trước vẻ đẹp hoang sơ và ví nơi đây như giai nhân tuyệt sắc giáng trần, như viên ngọc thô chưa được mài giũa.

Hồ có chiều dài hơn 10km, chiều ngang khoảng 1,5km, nằm gọn giữa hai quả đồi xen lẫn những vườn điều, vườn cây ăn trái và cao su bạt ngàn. Nước hồ Suối Giai rất ổn định, không lên xuống quá thất thường. Độ sâu giữa lòng hồ vào mùa khô khoảng 10-12m, mùa mưa lên đến 14-16m, lòng hồ lại ít bùn đất nên thú vị nhất ở đây có lẽ chính là bơi lội, chèo ghe hay đánh bắt cá.

Hiện hồ Suối Giai vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với khí hậu trong lành, không gian rộng rãi, mát mẻ

Năm 2006, tôi từng cùng lãnh đạo Huyện đoàn Đồng Phú đi thuyền khảo sát một ngày ở đây. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, mặt hồ nước trong xanh cùng với ngôi chùa Minh Đức, một vài quán cà phê, quán ăn nhỏ “view” hồ ở Tân Tiến và những con đường đất đỏ bazan kết nối xuống hồ, cơ sở hạ tầng nơi đây hầu chưa có gì để tạo nên điểm nhấn du lịch. Suối Giai như "nàng công chúa" ngủ trong rừng cần được đánh thức.

“Đánh thức” tiềm năng

Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cùng với thị xã Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú là một trong 3 trục tam giác phát triển trong tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Và để hiện thực hóa khát vọng đó, ngày 18-7-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 410-KL/TU về việc phát triển đô thị huyện Đồng Phú giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Dịch vụ ở hồ Suối Giai hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách tham quan. Thuyền và canô được trang bị hiện đại với đầy đủ thiết bị bảo hộ

Theo đó, Đồng Phú sẽ là “Đô thị năng động, sinh thái và đáng sống”, với mục tiêu chung khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý, đất đai; kết hợp bảo vệ, mở rộng môi trường sinh thái. Đồng Phú đang đề xuất xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện dọc theo hồ Bà Mụ và hồ Suối Giai làm không gian sống trong tương lai, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và khảo sát để thực hiện.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, năm 2022, hồ Suối Giai bắt đầu được nhiều người biết đến hơn khi huyện Đồng Phú tổ chức giải đua thuyền mở rộng nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là lần đầu tiên giải được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển các môn thể thao dưới nước tại địa phương. Đảng bộ, chính quyền huyện Đồng Phú đã quyết tâm làm rất tốt công tác quảng bá, thu hút các nhà đầu tư tìm hiểu, phát triển du lịch tại khu vực hồ Suối Giai.

Bản thân tôi cũng rất thích nơi này do hoang sơ lại gần Đồng Xoài, khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… có thể đi và về trong ngày. Hiện nay, để đến hồ Suối Giai rất dễ dàng, giao thông thuận lợi. Nơi đây đầy đủ dịch vụ để khách tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi và thưởng ngoạn cảnh sắc sông nước của núi rừng Bình Phước…

Theo tôi, để thưởng thức trọn vẹn cảnh sắc hồ Suối Giai, kết hợp vui chơi và ăn uống, du khách nên có mặt khoảng 9 giờ, lúc này trời nắng đẹp, chọn địa điểm phù hợp trên khu vực nhà bè nơi đây, đặt món ăn xong thì thuê thuyền đi dạo quanh hồ. Điểm hay của nhà hàng là nằm giữa hai phía tả ngạn và hữu ngạn của hồ Suối Giai, đi thuyền hết khoảng 1,5 giờ. Đầu tiên đi thuyền về hướng tả ngạn, du khách sẽ thấy những vườn cao su bạt ngàn thẳng tắp, chiêm ngưỡng đập tràn Tân Lập. Nếu còn thời gian, du khách có thể đề nghị lái thuyền dừng ở vị trí thích hợp, từ đây có thể đi bộ tham quan hệ thống đập tràn và cống xả nước, ngay đó là con đường bê tông đi vào những ngôi nhà với làng quê yên ả soi bóng dừa, cảnh sắc tựa miền Tây sông nước.

Sau khi tham quan tả ngạn, du khách tiếp tục đi về phía hữu ngạn ngắm cảnh những vườn điều, vườn cây ăn trái trĩu quả của người dân địa phương. Khu vực này gần đập Bà Mụ, dưới nước hoa súng, hoa sen bạt ngàn nở rực khắp hồ nước tỏa hương ngan ngát như mang lại cảm giác yên bình, thư thái của đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Dịch vụ ở đây rất phải chăng, thực đơn, giá cả rõ ràng, ngồi bè khí hậu trong lành, không gian rộng rãi, mát mẻ. Thuyền và ca-nô được trang bị hiện đại, đảm bảo an toàn cho du khách với đầy đủ thiết bị bảo hộ, nhà hàng cũng đáp ứng chương trình văn nghệ với dịch vụ karaoke di động, nhưng gợi ý là nên chọn khu vực xa xa, tránh ồn ào, phiền phức đối với những khách khác.

Sau những ngày làm việc căng thẳng, tìm một không gian tĩnh lặng, hoang sơ để hít thở bầu không khí trong lành thì hồ Suối Giai là địa điểm du lịch thích hợp cho gia đình và bạn bè vào dịp cuối tuần khi không có thời gian nhiều, phải đi và về trong ngày. Nếu là một người yêu thích thiên nhiên và ưa “phượt” thì còn chần chừ gì nữa mà không xách balô lên và đi thôi nào!
 

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây