Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Phước

https://vhttdlbinhphuoc.gov.vn


Về Tân Hưng nghe hát Đờn ca tài tử

Về Tân Hưng nghe hát Đờn ca tài tử

Nếu ai thích nghe đờn ca tài tử, có dịp về ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, hãy một lần ghé đến CLB Đờn ca tài tử Phương Linh. Ở đây là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu đờn ca tài tử. Họ là những những nông dân cả ngày bận rộn với công việc đồng áng, hay những người làm nghề buôn bán bận rộn, nhưng lại rất thích chơi đờn ca tài tử (ĐCTT), sáng tác những bài, những điệu hát mới. Nhờ vậy, nghệ thuật ĐCTT mới có thể sống mãi trong lòng những con người hoài cổ và lớp trẻ thanh niên ngày nay.

Các thành viên và mọi người đến giao lưu tại CLB Đờn ca tài tử Phương Linh

Năm 2014 hai vợ chồng chị Võ Thu Nhịnh và anh Võ Văn Liêu mở quán cà phê ĐCTT “Hát cho nhau nghe”. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vì đam mê và muốn đưa môn nghệ thuật này đến gần với người dân địa phương, chị Nhịnh đã đầu tư mở quán, xây dựng sân khấu đậm chất Nam bộ. Ban ngày, quán bán nước giải khát, tối đến có thêm tiết mục ĐCTT. Đối với xóm nhỏ nơi đây, đó chính là món ăn tinh thần, một sân chơi văn nghệ quần chúng thu hút những người yêu ĐCTT đến để gặp gỡ, thể hiện đam mê nghệ thuật. Chị Nhịnh kể: “ Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 đứa con gái, ai cũng mê ca cổ và đều hát được cổ nhạc. Lúc đầu, quán Đờn ca tài tử hoạt động khá tốt, có đông người yêu thích ĐCTT đến tham gia ca hát. Thời gian sau đó, do điều kiện không cho phép, cũng như các yếu tố khách quan khác, quán ĐCTT hoạt động được 4 năm thì dừng. Tuy nhiên, lúc nhàn rỗi gia đình chị thường tụ họp các thành viên trong gia đình đàn, hát rất vui vẻ. Người dân trong xã nghe tiếng nhạc lại sang nhà chị Nhịnh quây quần bên ấm trà nóng, nghe vọng cổ đến khuya.

Tháng 6/2021, trước tâm tư, nguyện vọng của những người yêu thích môn ĐCTT, Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Đồng Phú đã đứng ra tổ chức thành lập Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử Phương Linh. CLB đờn ca tài tử Phương Linh có 17 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên. Đây là những hạt nhân văn nghệ có năng khiếu về đờn, hát, biểu diễn, dàn dựng... các tiết mục đờn ca tài tử. Các thành viên này đến từ xã Tân Hưng và các xã lân cận như Tân Phước, Đồng Tiến, CLB sinh hoạt tại nhà của chị Võ Thu Nhịnh.

 Chị Võ Thu Nhịnh chia sẻ: “CLB đam mê nhiệt huyết lắm, có 10 thành viên đi theo chị từ khi thành lập 2014, 2015 đến giờ. Nhiệt huyết của những người trong CLB không muốn gì hơn chỉ muốn có 1 sân chơi lành mạnh, với lại có âm thanh ngon lành thứ 7 mọi người tụ tập vô ca hát, cũng không mong gì hơn. Ở đâu có chương trình gì gọi là mấy chị em đi, mừng lắm, vui lắm”.

Ngoài các thành viên chính thức, bên cạnh đó còn có nhiều người dân không phải là thành viên nhưng nếu rãnh rỗi cũng đến giao lưu ca hát,  người lớn nhất năm nay đã 67 tuổi, người trẻ nhất 22 tuổi. Điều này thể hiện, Đờn ca tài tử là một nghệ thuật không phân biệt tuổi tác. Dù nam hay nữ, lớn hay nhỏ nhưng khi vào câu lạc bộ họ đều hòa đồng, gần gũi và được dìu dắt đờn ca bởi những người đi trước. Mỗi người có một chất giọng riêng, vì vậy các thành viên trong nhóm cũng hay chỉ bày cho nhau, hướng dẫn cho lớp trẻ chọn lựa ca khúc, chọn bản, để phù hợp với từng chất giọng. Sự nhiệt tình của người đi trước khiến nhiều bạn trẻ trong câu lạc bộ như được tiếp thêm niềm đam mê đờn ca tài tử. Trong CLB có những người chỉ biết chơi nhạc cụ, có thành viên chuyên sáng tác những bản nhạc, có những thành viên chỉ hát, nhưng cũng có thành viên vửa biết chơi nhạc cụ, vừa hát, nhưng quan trọng là các thành viên đều có niềm đam mê với đờn ca tài tử.

Em Võ Trúc Phương (25 tuổi)- thành viên CLB chia sẻ: “Từ nhỏ em đã thích hát ca cổ, lúc còn bé thì nghe mẹ, dì hát. Sau này tham gia câu lạc bộ thì được các cô chú chỉ dạy thêm, cứ nghe tiếng đàn là em lại muốn hát”. Trúc Phương cũng tham gia dự thi nhiều cuộc thi đờn ca tài tử chuyên nghiệp và giành thứ hạng cao, em hiện là cộng tác viên của Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh.

Nét đẹp trong ĐCTT là ngoài những thanh âm của phím đờn, còn có những lời ca của các tài tử nam nữ. Một bài hát hay, mượt mà là một bài hát có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý của cả tài tử đờn và tài tử ca. Đó không phải là một chuyện dễ dàng, mà cần có sự kiên trì tập luyện và cả năng khiếu cá nhân. Chị Nhịnh nói: “ Nếu như trước kia, các bài đờn ca tài tử chỉ xoay quanh về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tâm tư, tình cảm của người bình dân thì giờ đây, đờn ca tài tử mang những nội dung mới, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân, vừa tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, còn thể hiện chủ trương, chính sách Nhà nước nhằm xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì ca từ mới, nhiều khi khó nhớ nên tập hát một bài cũng rất lâu, có khi cả tháng mới hát được”.

Chị cho biết, trong CLB, có anh Lê Thanh Phương là chuyên sáng tác các bài hát mới, các bài hát có khi được đặt hàng để khi CLB đi biểu diễn phù hợp với nội dung của buổi giao lưu, của buổi lễ ấy. Nói rồi, chị cất giọng hát, ca bài ca cổ “Bình Phước tôi yêu”, là một sáng tác của anh Phương.

Bình Phước tôi yêu lòng trao dâng phơi phới

Nhìn quê hương mình đổi mới

Đồng Xoài chắp cánh vươn lên

Bao công trình kiến trúc dựng xây”

Anh Hoàng Văn Thiệu, người trong ấp Suối Đôi, tuy không phải là thành viên chính thức của CLB, nhưng hầu như cuối tuần nào anh cũng ghé để hát cùng mọi người. “Đối với những nông dân nghèo như chúng tôi, đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu, mỗi khi được hát đờn ca, tôi lại nhớ về cái thời còn sống ở Bạc Liêu, nhớ về quê hương miền Tây”.

Đờn ca tài tử sau bao năm ra đời và gắn bó với con người Nam Bộ, đã được nhiều ngườ yêu thích và đeo đuổi. Thế nhưng, để có thể tồn tại theo thời gian và đương đầu với quy luật đổi mới thì đòi hỏi Đờn ca tài tử cũng phải thay đổi về nội dung, hình thức mới có thể thu hút được giới trẻ và thể hiện vai trò, sứ mệnh văn hóa trong thời đại mới. Bằng cách khảo sát hoạt động của các CLB Đờn ca hiện nay, Trung tâm văn hóa huyện sẽ có hướng hỗ trợ, xây dựng lại các CLB, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các tài tử mang những lời ca, tiếng đờn đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân ở từng xóm, ấp.

Nguồn tin: Cẩm Nhung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây