Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Phước

https://vhttdlbinhphuoc.gov.vn


Hạt nhân phong trào văn hóa cơ sở

Đam mê nghệ thuật múa, đờn ca tài tử, ông Nguyễn Văn Hương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Chơn Thành là một trong những nhân tố tích cực tại các sân chơi văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện.

Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ ở huyện Chơn Thành phát triển mạnh. Hàng chục câu lạc bộ của các hội, đoàn thể, điển hình như câu lạc bộ đờn ca tài tử của huyện, câu lạc bộ văn nghệ, thể dục dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi huyện và các xã, thị trấn ra đời.

Nói đến đờn ca tài tử hay nghệ thuật múa ở huyện Chơn Thành mọi người đều biết đến ông Nguyễn Văn Hương - người đã xây dựng và truyền dạy cho nhiều thế hệ trong huyện về bộ môn nghệ thuật này.

Ông Nguyễn Văn Hương và các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử trong buổi tập

Nhiều năm qua, ông Hương gắn bó và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Không chỉ là biên đạo múa giỏi, ông còn tổ chức, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng. Nhất là các chương trình phục vụ tuyên truyền. Qua đó, đưa văn hóa các dân tộc hòa nhập, phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Với mong muốn theo đuổi đam mê, đưa phong trào văn nghệ, phát triển hơn, ông Hương tâm niệm, biên đạo và dạy múa như một món ăn tinh thần để thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Nhiều tác phẩm sau khi biên đạo và dàn dựng tham gia liên hoan đã đoạt các giải thưởng từ địa phương đến cấp tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. Đó là niềm động viên lớn giúp ông theo đuổi con đường nghệ thuật mấy chục năm qua.

Phần lớn những bài múa do ông dàn dựng, biên đạo đều phục vụ sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Ông không nhớ mình biên đạo, dàn dựng bao nhiêu bài múa nhưng quê hương hay những người nông dân chân lấm tay bùn… luôn là chủ đề ông chọn. Thông qua ngôn ngữ múa, ông muốn gửi đến bà con tình cảm yêu quý, lời động viên, chia sẻ để mọi người cùng nhau cố gắng vươn lên.

Hầu hết tác phẩm múa ông dàn dựng, biên đạo mang chiều sâu hơi thở cuộc sống, để lại người xem một cảm xúc lắng đọng và nhất là hình ảnh đẹp của vùng đất Đông Nam bộ. Tuy nhiên, để có một tác phẩm mang bản sắc văn hóa vùng miền không hề đơn giản. Người nghệ sĩ phải có sự kết hợp chất liệu dân gian và hiện đại để bài múa thêm phần sinh động và mỗi một tiết mục thành công với ông là niềm hạnh phúc.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện, tỉnh. Ông luôn đặt thái độ trân trọng khán giả lên hàng đầu. Bởi thế, nhiều tác phẩm ông biên đạo và dàn dựng thành công, đoạt các giải cao tại mỗi kỳ liên hoan, hội diễn tuyên truyền lưu động. Ông Hương chia sẻ: Với người cao tuổi, đây là một hình thức giải trí hấp dẫn. Họ trân trọng hơn khi được tham gia các sân chơi. Nhưng để hướng dẫn họ theo yêu cầu của đề tài, nội dung thì cần chọn nội dung, biểu cảm từng bài múa, hình thức phù hợp. Từ đó nhân ra các anh chị em có năng khiếu và bây giờ họ là nòng cốt phong trào người cao tuổi...

Để thắp lên ngọn lửa văn hóa truyền thống trong giới trẻ, ông đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm những nét tiêu biểu trong văn hóa từng dân tộc rồi truyền dạy cho mọi người. Nhất là bộ môn đờn ca tài tử. Trong các lễ hội hay ngày kỷ niệm lớn của địa phương, đất nước, ông tổ chức luyện tập, biên đạo cho các cơ sở nhiều tiết mục đặc sắc. Qua đó, đưa văn hóa nghệ thuật ở cơ sở ngày càng phát triển.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây