Những năm tháng không quên
Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1956), nguyên là thẩm phán, Phó chánh án Tòa án nhân dân thị xã Phước Long, là con gái kế út của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thung, người mẹ có 4 con là liệt sĩ.
Bà Hồng kể lại, quê bà ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, gia đình bị chính quyền Ngô Đình Diệm “xúc đi di dân” vào xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Mặc dù sống trong áp bức, kìm kẹp của giặc nhưng cha bà vẫn tìm mọi cách đào hầm nuôi, giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho du kích. Ông đã bị giặc sát hại vì “cái tội” để cho 4 người con tham gia cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Hồng cùng đồng đội song ca bài tân cổ giao duyên “Dệt chặng đường xuân”
Khi mới 13 tuổi, bé Tám (tên gọi của bà Hồng lúc nhỏ - PV) một lần nữa chứng kiến sự hy sinh của chị Năm Lại, người chị gái mà bé Tám rất mực thương yêu. Để trả thù cho chị, bé Tám một mực đòi theo du kích. Cha mẹ không cho vì Tám còn quá nhỏ đang tuổi ăn học nhưng bé Tám vẫn quyết tâm đi. Được gửi đi học lớp đào tạo y tá cấp tốc tại bệnh viện tiền phương, Tám trở thành y tá, vừa làm giao liên, có khi phụ làm chị nuôi nấu cơm cho chiến sĩ. Tám Hồng đã lớn lên trong tình yêu thương, dìu dắt của các cô, bác, anh, chị và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Trong những năm tháng ấy, bà Hồng đã trải qua hàng chục cuộc chiến đấu lớn, nhỏ, chứng kiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất Phước Long.
Ngày 6-1-1975, Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, tạo đà để quân và dân ta tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đội ngũ những chiến sĩ vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng, có người chiến sĩ du kích Nguyễn Thị Hồng dẫn đường.
Niềm vui ngày giải phóng quê hương vỡ òa, hòa trong vị mặn chát của đớn đau, mất mát, của thương nhớ ngậm ngùi trong máu và nước mắt là ký ức không dễ quên, thôi thúc bà quyết tâm xây dựng “Bảo tàng cách mạng” nhỏ của gia đình.
Nơi lưu giữ ký ức
Trong khuôn viên tươi mát, rợp bóng cây xanh, ngôi nhà gỗ ấm áp là nơi bà Hồng trưng bày, lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, từ cái đèn pin cũ kỹ, tấm võng dù hay hộp kim tiêm đã hoen rỉ… Những tấm ảnh được phóng to, cẩn thận lồng trong khung kính được treo trang trọng, sắp xếp theo trình tự thời gian. Đó là những bức ảnh đồng bào S’tiêng giã gạo nuôi quân, vót chông đánh Mỹ, ảnh chiếc “cầu người” đưa bộ đội vượt dòng sông chảy xiết. Ảnh ghi lại những bước chân hùng dũng của người chiến sĩ xông lên giữa mịt mù bom đạn, giữa hàng hàng, lớp lớp kẽm gai trong ngày giải phóng Phước Long. Đó là hình ảnh chiến sĩ ta đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Phước Long với lá cờ giải phóng tung bay trong niềm vui chiến thắng trưa ngày 6-1-1975…
Bên cạnh những bức ảnh các nữ anh hùng Út Tịch, La Thị Tám, Tạ Thị Kiều… những “chiến sĩ tóc dài” anh hùng đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang thống nhất đất nước, có cả tấm ảnh yêu thương của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thung. Tất cả đang lặng thầm kể với mai sau về một thời hào hùng của dân tộc. Nơi đây còn trưng bày nhiều tấm ảnh về sự “thay da đổi thịt” của Phước Long hôm nay - nơi “sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những gian khổ, hy sinh”.
Để xây dựng, tô điểm cho “bảo tàng”, suốt thời gian qua, bà Hồng cần mẫn, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ, chắt chiu từng đồng lương hưu sưu tầm từng tấm ảnh. Ban đầu, ảnh chỉ được đóng khung bằng tre, lồ ô, do tự tay bà làm nên rất mau hỏng. Bà đã khóc vì tiếc nuối. Khi có điều kiện, bà đã đầu tư để lồng kiếng, đóng khung nhôm. Khi được hỏi, bà lý giải: “Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày giải phóng, nhiều bộ phim tư liệu được chiếu đầy xúc động. Nhưng bà con ta không phải ai cũng có điều kiện, có thời gian đi dự lễ, xem phim. Tôi làm phòng trưng bày này để nhiều người được xem mọi lúc…”.
Để có được những tấm ảnh này, tôi đã dành rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, sưu tầm trên sách báo. Tôi xem bộ phim tư liệu “Phước Long mùa hoa lửa” nhiều lần, làm hỏng luôn 2 cái băng video, chỉ để chụp lại những tấm hình ưng ý nhất. Do chụp lại bằng điện thoại cũ nên rất mờ, khi rửa ảnh bị nhòe, tôi phải nhờ các con giúp đỡ bằng kỹ thuật tốt hơn, sau đó gửi xuống TP. Hồ Chí Minh thuê người chỉnh sửa, rồi đóng khung từng tấm, cẩn thận ghi chú, thuyết minh ngắn gọn cho từng tấm ảnh. |
Cựu chiến binh NGUYỄN THỊ HỒNG |
Năm 2005, bà đã hiến tặng 47 hiện vật của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và nhiều hiện vật khác cho Bảo tàng thị xã Phước Long, trong đó có kỷ vật quý giá là chiếc khăn dù dùng để “nắm cơm” nhuộm máu của người chị gái đã hy sinh để lại. Với các con mình, bà dặn dò: “Đây là gia tài, báu vật của mẹ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, các con cũng phải cố gắng nâng niu, gìn giữ”.
Đúng như tâm nguyện của bà, vào những dịp lễ, ngày truyền thống, kỷ niệm Ngày giải phóng Phước Long, nơi đây lại được đón nhiều cựu chiến binh, thanh thiếu niên và bà con các khu phố… đến thăm. Bà ân cần tiếp đón, chuẩn bị sẵn trà, nước, đôi khi còn có cả trái cây, bánh kẹo để tiếp khách. Đến đây, mọi người được nghe các cựu chiến binh kể lại bao kỷ niệm về một thời hoa lửa, tự hào về những chiến công hiển hách, nghẹn ngào về những người đã ngã xuống vì thanh xuân của đất nước.
Hát bằng cả trái tim
Không chỉ xây dựng bảo tàng, năm 2016, bà Hồng còn thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử “Hát cho người ngã xuống”. Với sự góp sức bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của các thành viên, Câu lạc bộ đờn ca tài tử đã đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn văn nghệ do thị xã và tỉnh tổ chức.
Cựu chiến binh Phạm Quốc Khánh ở huyện Phú Riềng kể lại, ông tham gia cách mạng từ năm 1968, công tác ở Đoàn 180, lực lượng vũ trang bảo vệ Trung ương Cục Miền Nam, là người bạn tâm giao với bà Hồng trong những năm tháng chiến đấu trên vùng đất Phước Long. Đam mê lịch sử, vẻ đẹp của vùng đất này, mến mộ việc làm, nghĩa cử của bà Hồng dành cho quê hương, nên ông tích cực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ với vai trò là nhạc công và soạn giả. “Tôi sáng tác những bài hát ca ngợi về con người, quê hương Phước Long anh hùng, mong muốn chung tay với chị Hồng gìn giữ, khơi dậy niềm tự hào, truyền thống hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay trên con đường xây dựng Phước Long ngày càng tươi đẹp” - ông Khánh cho biết.
Các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử Hát cho người ngã xuống do bà Nguyễn Thị Hồng sáng lập
Hằng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, không gian vốn trang trọng của “Bảo tàng cách mạng gia đình” nhà bà Hồng càng thêm sinh động và ấm áp hơn, thu hút nhiều người đến tham quan. Bà Hồng cho hay, mỗi khi những bài hát như: Lá thư đồng đội, Nửa vầng trăng riêng, Dệt chặng đường xuân… cất lên là bà lại thấy mình trong đó, như sống lại những tháng năm gian khổ, đau thương mà đầy ắp ân tình. Cũng vào dịp này, các thành viên câu lạc bộ lại cùng nhau lên đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và hát những bài hát về một thời lửa đạn. Họ hát bằng cả trái tim, bằng tình yêu và lòng thương nhớ, bằng cả sự biết ơn những người “ra đi từ ấy không về”.
Lịch sử đã sang trang nhưng những tấm ảnh, hiện vật, tiếng nhạc, lời ca mà bà Hồng đang nâng niu, gìn giữ sẽ là những tư liệu lịch sử chân thực đầy xúc động. Phước Long hôm nay đã “thay da đổi thịt”, ngày càng tươi đẹp hơn, thành quả đó có một phần xương máu, công sức của những cựu chiến binh như bà Hồng.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn