hoc tap bac

Lấy ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở.

Thứ sáu - 29/07/2022 03:21
MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ TẬP TRUNG KHẢO SÁT, LẤY Ý KIẾN
Về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
1. Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
1.1. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn:
Dự thảo Luật quy định 14 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, trong đó tập trung vào các vấn đề có liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch hoạt động tài chính hằng năm ở cấp xã; dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ; các chương trình hỗ trợ, đóng góp tự nguyện; danh sách, đối tượng, tiêu chuẩn nhập ngũ; các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, thôn, tổ dân phố; việc thanh tra, kiểm tra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã; các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện và những nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Những nội dung nêu trên được công khai bằng một hoặc một số hình thức như: (1) Niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng; (2) Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; (3) Công khai thông tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; (4) Công khai thông tin thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân; (5) Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; (6) Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; (7) Thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã và tại thôn, tổ dân phố; (8) Hình thức khác theo quy định của pháp luật. Dự kiến thời điểm công khai thông tin thực hiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết một số nội dung sau đây: (1) Thực tiễn hiệu quả áp dụng các hình thức công khai thông tin để Nhân dân biết theo quy định của pháp luật hiện hành; (2) Các nội dung và hình thức công khai thông tin quy định tại dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ, khả thi chưa? (3) Việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để bảo đảm người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng có cần thiết không và đối với những địa bàn có tính chất đặc thù (như xã nghèo, xã miền núi, vùng cao, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn…) cần quy định về hình thức công khai thông tin như thế nào là phù hợp.
1.2. Về nội dung Nhân dân bàn và quyết định:
- Dự thảo Luật xác định 06 nội dung cộng đồng dân cư bàn và quyết định, bao gồm: (1) chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do cộng đồng dân cư đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, (2) việc lập, thu, chi các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các khoản khác từ nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư, (3) nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, (4) bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, (5) bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, (6) các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, trong số các nội dung nêu trên chỉ có nội dung số 06 là cử tri cư trú tại thôn, tổ dân phố được đề xuất sáng kiến và có 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định (khoản 3 Điều 14).
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết các nội dung sau đây: (1) Thực tiễn thực hiện các nội dung Nhân dân bàn và quyết định và việc phát huy sáng kiến, đề xuất của cử tri, cử tri đại diện hộ gia đình hiện nay; (2) Nội dung các sáng kiến, đề xuất thường tập trung vào những vấn đề gì; (3) Các đề xuất, kiến nghị để việc thực hiện quy định về các nội dung Nhân dân bàn và quyết định và sáng kiến của Nhân dân được hiệu quả, thực chất, góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm của Nhân dân đối với các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư.
- Dự thảo Luật quy định quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành, có giá trị bắt buộc thi hành đối với công dân sinh sống trong cộng đồng dân cư và quy định thời điểm có hiệu lực, chủ thể có trách nhiệm ban hành quyết định công nhận quyết định của cộng đồng dân cư đối với từng nội dung cụ thể.
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về nội dung quy định nêu trên, có cần thiết tăng tỷ lệ cử tri tán thành để bảo đảm tính đại diện, công bằng, khách quan hay không? Nếu giữ nguyên tỷ lệ này thì có thể giải trình như thế nào để bảo đảm thuyết phục.
1.3. Về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát:
Dự thảo Luật quy định 04 nội dung Nhân dân kiểm tra gồm: (1) Việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; (2) Việc tổ chức thực hiện các nội dung cộng đồng dân cư bàn và quyết định; (3) Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của Nhân dân; (4) Việc ban hành các văn bản, quyết định của chính quyền địa phương cấp xã liên quan đến quyền, lợi ích của công dân, tổ chức, cộng đồng dân cư. Các nội dung Nhân dân kiểm tra được thực hiện thông qua 02 hình thức là: (1) Thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (2) Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư.
Dự thảo Luật quy định 02 nội dung Nhân dân giám sát, bao gồm: (1) Việc thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, người làm việc trong bộ máy của chính quyền địa phương cấp xã; (2) Việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tại nơi cư trú của cán bộ, công chức, người làm việc trong bộ máy của chính quyền địa phương cấp xã. Các nội dung Nhân dân giám sát được thực hiện thông qua 04 hình thức là: (1) Thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; (2) Thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư; (3) Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; (4) Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa Nhân dân với chính quyền địa phương.
Dự thảo Luật cũng quy định về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, giám sát theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, pháp luật về đầu tư công, điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức  chính trị - xã hội và pháp luật khác có liên quan.
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về việc các quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát đã bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, có tính khả thi, phù hợp và thuận lợi cho Nhân dân khi thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình hay chưa? Có gây chồng chéo, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật này và các luật khác về cùng nội dung hay không?
2. Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp
2.1. Dự thảo Luật một chương riêng về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (Chương IV), trong đó có một số quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, nội dung thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp đang được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về các nội dung sau đây: (1) Việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng lao động như trong dự thảo Luật đã phù hợp chưa? (2) Các nội dung quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự thảo Luật đã đầy đủ hay chưa, có cần bổ sung hoặc lược bớt nội dung nào hay không; các nội dung này có gây chồng chéo, vướng mắc với các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp hay không? (3) Có cần thiết quy định việc thực hiện dân chủ ở tất cả loại hình doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động hay không? (4) Có cần thiết có những quy định đặc thù về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước hay không, nếu có thì đề nghị đề xuất cụ thể các nội dung cần quy định ngay tại dự thảo Luật này? 
2.2. Dự thảo Luật quy định 08 nội dung người sử dụng lao động tại các loại hình doanh nghiệp phải công khai, bao gồm: (1) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; (2) Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; (3) Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia; (4) Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); (5) Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; (6) Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; (7) Quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; (8) Nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật quy định thêm 06 nội dung phải công khai thêm ngoài 08 nội dung nêu trên, cụ thể là: (1) Báo cáo tài chính 06 tháng và báo cáo tài chính hàng năm (đã được kiểm toán); ý kiến, kiến nghị của kiểm toán, của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính về báo cáo tài chính và tình hình tài chính của doanh nghiệp; (2) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm; (3) Quy chế quản lý sử dụng các loại quỹ theo quy định của pháp luật để áp dụng trong nội bộ doanh nghiệp; (4) Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; (5) Việc đầu tư, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung của doanh nghiệp; (6) Các thông tin khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước.
Các nội dung nêu trên được thực hiện công khi bằng một hoặc một số hình thức như: (1) Niêm yết công khai tại trụ sở doanh nghiệp; (2) Thông báo tại các cuộc họp, các cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của pháp luật; (3) Thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thông báo đến người lao động; (4) Thông báo trên hệ thống thông tin nội bộ; website của doanh nghiệp; (5) Hình thức khác mà pháp luật không cấm.
Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về các nội dung sau đây: (1) Các nội dung và hình thức công khai thông tin để người lao động biết tại dự thảo Luật đã đầy đủ và bảo đảm tính khả thi chưa? (2) Có cần thiết bổ sung thêm các nội dung khác để việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động được tốt hơn, xử lý hài hòa mối liên hệ giữa Luật này với Bộ luật Lao động về cùng nội dung, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động hay không? Đề xuất những nội dung cụ thể; (3) Có cần thiết bổ sung thêm các nội dung khác về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm tính đặc thù trong hoạt động của loại hình doanh nghiệp này hay không vì hiện dự thảo Luật chỉ có 01 khoản (khoản 2 Điều 45) quy định thêm các nội dung mà doanh nghiệp nhà nước phải công khai thêm so với các doanh nghiệp khác.   
- Dự thảo Luật quy định 06 nội dung người lao động kiểm tra, bao gồm: (1) Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; (2) Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm; (3) Về thanh toán tiền lương hằng tháng cho người lao động, trang bị bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; (4) Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; (5) Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; (6) Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Các nội dung người lao động kiểm tra được thực hiện thông qua các hình thức kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật quy định 04 nội dung người lao động giám sát, bao gồm: (1) Việc chấp hành quy định của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; (2) Việc thực hiện nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; (3) Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động; (4) Quá trình tổ chức và kết quả thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động. Các nội dung người lao động giám sát được thực hiện thông qua 03 hình thức là: (1) Thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp nhà nước; (2) Thông qua hoạt động giám sát của tổ chức đại diện người lao động; (3) Thông qua hội nghị người lao động. Trình tự, thủ tục thực hiện giám sát của người lao động theo quy định của pháp luật về thanh tra nhân dân, điều lệ các tổ chức đại diện người lao động và pháp luật khác có liên quan.
Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về việc các quy định về nội dung và hình thức người lao động kiểm tra, giám sát đã đầy đủ, bảo đảm tính khả thi hay chưa? Có cần thiết bổ sung thêm các quy định khác nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực chất của hoạt động này hay không? Đề xuất giải pháp cụ thể.
3. Về Thanh tra nhân dân
- Dự thảo Luật quy định một chương riêng về Thanh tra nhân dân, trong đó bao gồm các nội dung về: (1) Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, (2) Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, (3) Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Dự thảo Luật quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời Ban Thanh tra nhân dân có 03 quyền hạn, cụ thể là: (1) Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó; (2) Khi cần thiết, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định; (3) Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về các nội dung sau đây: (1) Có cần thiết quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở hay chỉ quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại một số loại hình cơ sở như hiện nay? (2) Để tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động của thiết chế này, có cần thiết bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hay không, đề xuất phương hướng cụ thể? (3) Có cần bổ sung quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiểm tra hay không vì hiện dự thảo Luật chỉ quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước? Phân biệt giữa hoạt động kiểm tra và hoạt động giám sát như thế nào?
-  Ngoài ra, đề nghị cho biết ý kiến về việc có cần thiết bổ sung các điều, khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới hay không?  
4. Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự thảo Luật quy định một điều riêng về 04 biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể là: (1) Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở ; (2) Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện  dân chủ ở cơ sở ; (3) Đánh giá mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật; (4) Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện, kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, đề nghị cho biết ý kiến về việc các cơ chế nêu trên đã bảo đảm đầy đủ, khả thi hay chưa, có cần thiết quy định cụ thể và chi tiết hơn không, nhất là nội dung “Nhân dân” thụ hưởng. Để thể hiện rõ nét và đầy đủ vị trí, vai trò của chính quyền địa phương và hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thì cần quy định những nội dung gì? Đề xuất phương hướng cụ thể.
5. Ngoài những nội dung nêu trên, từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, trân trọng đề nghị đề xuất, kiến nghị về các nội dung khác của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn tin: Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Du lich bp
lich
Bao ve nen tang tu tuong cua Dang
Lấy ý kiến nhân dân (Quảng cáo cố định)
dichvucong
Công tác thanh niên
https://url.td/giaivietdabara2025
VNeID
covid 19
app bluezone
UPU

774/QĐ-UBND

Quyết định Công bố Danh mục thủ tục hành chínhbổ sungtronglĩnh vựcThi đua, khen thưởng được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 20/09/2024

lượt xem: 95 | lượt tải:42

17/2024/QĐ-UBND

Quyết định ban hành quy định danh mục tài sảnn cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hoa mòn tài sản cố định vô hình (trừ thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập) thuộng phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 05/08/2024

lượt xem: 268 | lượt tải:61

85/KL-TTr

Kết luận thanh tra vViệc chấp hành quy định pháp luật về chuyên môn, tổ chức cán bộ, tài chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 20/05/2024

lượt xem: 626 | lượt tải:108

130/QĐ-UBND

Quyết định Xếp hạng di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sửĐịa điểm ghi dấu Chiến thắng Phước Long

Thời gian đăng: 20/09/2024

lượt xem: 105 | lượt tải:41

128/QĐ-UBND

Quyết định Xếp hạng di tích cấp tỉnh: Di tíchlịch sử-văn hóa Hưng Lập Tự

Thời gian đăng: 20/09/2024

lượt xem: 108 | lượt tải:44
Thông kê
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay3,313
  • Tháng hiện tại43,395
  • Tổng lượt truy cập11,143,740
Du lich bp
lich
Bao ve nen tang tu tuong cua Dang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây