Từ lâu, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần đối với người dân tộc S’tiêng ở Bình Phước. Hiện nay, với nhịp sống hiện đại, phát triển của xã hội nên nghề dệt thổ cẩm ngày càng vắng bóng và số người biết dệt vải may áo ngày càng ít đi. Đến ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng, tại đây, có những phụ nữ bao năm qua vẫn miệt mài, tâm huyết bên khung dệt để duy trì và phát triển nghề.
Yêu nét văn hóa của dân tộc mình qua những bộ váy áo truyền thống, nên dù bận rộn với công việc rẫy nương hàng ngày, tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi, các chị em phụ nữ Stiêng đam mê dệt lại tập trung ở nhà chị thị Ríp để cùng nhau ngồi dệt, vừa trao đổi kinh nghiệm vừa tạo nên không khí vui vẻ, nhộn nhịp. Từ nhỏ, các chị đã được bà, mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Đối với người S’tiêng, khi con gái trưởng thành mà biết dệt thổ cẩm thì được dân làng tôn trọng, đánh giá cao và đó cũng là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Trước đây, để dệt được tấm thổ cẩm đẹp, phụ nữ S’tiêng phải làm nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, dệt vải đến nhuộm chàm... không phải ai cũng có thể học được, làm được nhanh chóng. Muốn dệt được, người học phải nhẫn nại từng chi tiết, biết cách kết hợp đôi tay vừa nhanh vừa khéo léo; bởi chỉ sai một đường chỉ nhỏ là hỏng cả tấm vải. Dệt thổ cẩm ngày nay đơn giản hơn nhiều, người dệt mua sợi tổng hợp tại chợ, chọn màu sắc thích hợp đem về dệt. Màu chủ đạo trong trang phục của người S’tiêng vẫn là màu chàm hoặc đỏ thẫm. Những ngày rảnh rỗi, các chị, các cô lại miệt mài bên khung dệt, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để làm ra những chiếc xà rông, chăn, khố... chất lượng, đẹp mắt. Theo các chị, các cô, để tạo ra tấm thổ cẩm mịn, đẹp mắt, người dệt phải căng dây, căng sợi đều tay, siết lao thật chặt... Cái khó trong dệt là tạo hoa văn, chủ yếu hình thoi, zích zắc, hình vuông, đường thẳng hoặc hình một số con vật tiêu biểu của dân tộc... Để dệt được một bộ váy áo trung bình mất 15-20 ngày, tùy hoa văn đơn giản hay phức tạp. Trung bình một bộ váy áo bán với giá 800 ngàn đồng, còn dệt chăn thì đắt hơn. Mỗi khi trong ấp hay xã có liên hoan, biểu diễn văn nghệ, các chị còn cho mượn váy áo không lấy tiền thuê. Chị em phụ nữ ở ấp Thuận Tiến (xã Thuận Lợi) tập trung ở nhà chị thị Ríp để cùng nhau ngồi dệt.
Đến thăm nhà chị Thị Có đúng lúc chị đang dạy cho các em trong ấp cách dệt vải, chị tỉ mỉ hướng dẫn cho các em từ cách xếp khung dệt đến cách tạo nên tình họa tiết. 15 tuổi chị đã bắt đầu được mẹ dạy cho dệt thổ cẩm. Đến tuổi lấy chồng chị đã tự dệt được váy, áo đẹp để mặc trong ngày cưới. hị Thị Có cho biết, Năm 19 tuổi, chị lập gia đình. Lúc lấy nhau về, chồng làm tặng chị cái khung dệt. Đến nay đã mấy chục năm rồi, khung dệt vẫn dùng tốt. Theo chị Thị Có, cách dệt vải thổ cẩm của người S’Tiêng về cơ bản vẫn còn rất thô sơ, nhưng vẫn có thể tạo ra những hoạ tiết thể hiện hình quả trám, hoa lá, thú vật, chim muông trong truyền thuyết. Tất cả đều được cách điệu, sắp xếp, thêu, dệt theo hình kỷ hà tam giác với nhiều màu sắc được phối hài hòa, sống động… Đến nay chị đã tìm tòi và dệt được rất nhiều kiểu khác nhau như váy, áo, túi xách, khăn,…và thường bán cho những người có nhu cầu mua nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các họa tiết. Gia đình chị hiện canh tác 5 ha rẫy, các con đã trưởng thành nhưng lúc rảnh rỗi chị lại mang khung ra dệt vải. Trong các đám cưới, hỏi, ngày lễ, hội... chị đều mặc trang phục cổ truyền của người S’tiêng. Chị còn dệt cho con cháu sử dụng với mong muốn chúng không quên nét văn hóa của dân tộc mình, trong ấp nếu có ai muốn học nghề dệt thì chỉ cần tìm đến nhà, chị sẵn sàng chỉ dạy.
Ngày nay, người ta chỉ thấy những bộ quần áo bằng thổ cẩm với nhiều màu sắc của người S’tiêng trong những dịp lễ, tết, còn những ngày thường không mấy ai còn còn “mặn mà” với trang phục này nữa. Những người nặng tình với nghề sệt luôn trăn trở rằng nghề truyền thống của dân tộc S’tiêng đến một ngày sẽ không còn nữa. Vì vậy, cần phải có những chính sách kêu gọi, tuyên truyền, vận động lớp trẻ S’tiêng giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình. Phải làm sao để họ ý thức được, cần phải bảo tồn vốn quý của thế hệ trước truyền lại và gây dựng nên.