Nhận quà trúng thưởng
Đối tượng mà tội phạm nhắm tới đối với chiêu thức này là người lớn tuổi đã từng mua các sản phẩm tiêu dùng. Khi quý khách mua sản phẩm tại 1 đơn vị kinh doanh nào đó, thông tin của quý khách bằng cách nào đó sẽ lọt ra ngoài. Một số đối tượng lừa đảo giả danh tổng công ty gọi điện nói bạn đã trúng thưởng phần quà trị giá từ 20-30 triệu đồng... Các đối tượng yêu cầu nạp chi phí thủ tục nhận thưởng qua ngân hàng hoặc lên bưu điện nhận quà và phải trả phí từ 3-5 triệu đồng.
Mua sim điện thoại có thẻ định vị
Đối tượng tiềm năng của chiêu thức lừa đảo này là nam, nữ hay ghen hoặc người muốn theo dõi người khác. Sim được rao với giá 1,2 triệu đồng trên các trang mạng xã hội. Thực tế, sim này không sử dụng được và người mua không thể tố cáo vì mua online, công ty “ma” bán hàng không có địa chỉ, số tiền nhỏ và người mua sợ bị “quê” nên không nói với ai. Tuy nhiên, những nhóm tội phạm công nghệ này lại lừa được khá nhiều người mà không bị tố giác.
Kết bạn, kết thân và nhận tiền, quà từ người nước ngoài
Đây cũng là thủ đoạn lừa đảo chẳng mới mẻ gì, nhưng vẫn có nhiều quý bà sập bẫy. Khách hàng tiềm năng của chiêu trò này chính là phụ nữ lớn tuổi, góa chồng, thiếu thốn tình cảm.
Sau khi kết bạn nói chuyện và làm quen từ 1 đến 2 tháng, “anh chàng đẹp trai” ngoại quốc hoặc Việt kiều nói có ý định về Việt Nam định cư và tiến tới hôn nhân với “con mồi”. Đưa ra ý định là gửi nhẫn kim cương và đô la chừng 50.000 USD làm quà tặng hoặc giữ giùm. Sau đó, yêu cầu “con mồi” liên hệ nạp tiền từ 50-70 triệu đồng làm thủ tục nhận quà cho nhân viên sân bay hoặc hải quan giả danh. Và sau khi chuyển tiền thì “thuê bao quý khách hiện không liên lạc được...”.
Đe dọa liên quan tới vụ án phạm tội để lừa đảo
Tuy cũng chỉ là “mánh cũ soạn lại” nhưng khách hàng của chiêu trò này không suy giảm là mấy. Cụ thể, để lừa khách hàng tự chuyển tiền, các đối tượng thường giả mạo công an, thậm chí là đại diện cơ quan điều tra thông báo cho khách hàng biết họ đang liên quan đến một vụ án bất kỳ nào đó và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị lực lượng của Bộ Công an bắt trong vài ngày tới.
Trong các cách thức lừa đảo trên, hầu hết nạn nhân đều trên 50 tuổi, nhẹ dạ và hay lo sợ. Khi sử dụng các chiêu thức lừa đảo nêu trên, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo đều có các yêu cầu chung cho “khách hàng” là: Không nói cho người thân biết, không báo công an, dùng điện thoại đầu số nước ngoài, kết bạn Zalo để nói chuyện. Thậm chí đối tượng lừa đảo còn chuẩn bị trang phục để giả danh công an và các cơ quan chức năng nhằm tạo niềm tin cho “khách hàng”.
Công an thành phố Đồng Xoài khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp hoặc biết người thân đang vướng vào một trong những chiêu thức lừa đảo nêu trên thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn