Lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, nhiều hồ sơ, thủ tục mang tính lịch sử; trong khi đó, để hoàn thiện, xác minh đúng, đủ một hồ sơ phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, để chuyển đổi số lĩnh vực đất đai thành công cần sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, nhất là sự chung tay của từng cán bộ, viên chức và mỗi người dân.
Bài cuối:
GỠ KHÓ ĐỂ THÀNH CÔNG
Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Theo thống kê, năm 2022 số lượng hồ sơ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai toàn tỉnh tăng đột biến, khoảng 20% so với năm 2021. Đặc biệt tại huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành, lượng hồ sơ tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hồ sơ tăng kỷ lục, trong khi cán bộ, viên chức, người lao động có hạn nên để hoàn thành công việc là không đơn giản. Vì vậy, các văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) phải tranh thủ làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, kể cả làm đêm; phối hợp với bộ phận một cửa tại các huyện, thị xã, thành phố bố trí cán bộ hỗ trợ tạo tài khoản điện tử cho người dân khi đến nộp hồ sơ. Đồng thời cử cán bộ hỗ trợ và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến đối với những trường hợp chưa thành thạo trong tạo tài khoản.
Cán bộ, viên chức, người lao động Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Đồng Phú trong giờ làm việc
Những nỗ lực đó đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2022, 11 chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 469.051 hồ sơ, trong đó giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,84%. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại 11 chi nhánh VPĐKĐĐ được chấn chỉnh và giải quyết kịp thời. Công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến được kiểm tra thường xuyên, qua đó khắc phục tình trạng bấm kết thúc trước khi hồ sơ chưa được giải quyết xong.
Năm 2022, VPĐKĐĐ tỉnh tiếp nhận giải quyết 393 hồ sơ của tổ chức, 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn; tiếp nhận 200.448 hồ sơ cấp cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó giải quyết trước và đúng hạn 199.431 hồ sơ, đạt 99,87%. Công tác đo đạc bản đồ địa chính; xây dựng CSDL và lưu trữ; kiểm kê đất đai và hành chính, quản trị, tài chính được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng quy định. |
Kết quả đạt được rất tích cực, nhưng tại một số chi nhánh, số lượng tiếp nhận hồ sơ rất lớn trong khi cán bộ, viên chức, người lao động ít dẫn đến công tác số hóa hồ sơ còn chậm. Việc tồn đọng hồ sơ địa chính chưa scan của một số năm trước vẫn còn. Mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích nhưng do trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, nhiều người vẫn muốn thực hiện các thủ tục trực tiếp, vì không am hiểu về công nghệ dẫn đến công tác chuyển đổi số chưa đạt như kỳ vọng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Phú Riềng Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số thời gian qua nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành. Tuy nhiên để thực hiện thành công phải xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo tính chất chung, công khai, minh bạch, từ đó cán bộ, viên chức, người lao động mới yên tâm cống hiến. Cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất về trụ sở, hạ tầng, cơ sở dữ liệu (CSDL)… bởi đất đai mang tính lịch sử cực kỳ phức tạp, một tài sản biến động là cả vấn đề lớn nên sẽ tạo cảm giác e ngại, dè chừng của cán bộ dẫn đến kết quả giải quyết chậm, không trôi chảy. Và để thực hiện tốt hơn đòi hỏi cán bộ, viên chức phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là công nghệ thông tin; tăng cường học tập kinh nghiệm để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề còn hạn chế.
Cán bộ, viên chức, người lao động VPĐKĐĐ tỉnh Bình Phước luôn tất bật vì lượng hồ sơ liên quan đến đất đai tăng đột biến
Đồng tình rằng kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai phụ thuộc rất lớn vào con người và cơ sở vật chất, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ TP. Đồng Xoài Vũ Thị Mười kiến nghị: “Các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải cùng tham gia trên cổng dịch vụ công của tỉnh và dịch vụ công quốc gia đồng bộ. Khi phần mềm CSDL đất đai đi vào vận hành, hoạt động thì phải tích hợp được với các phần mềm hiện nay đang quản lý, từ đó mới khai thác, sử dụng tốt nhất tính lịch sử về đất đai”.
Không chỉ phần mềm CSDL chưa hoàn chỉnh mà các chi nhánh VPĐKĐĐ còn đối mặt với nhiều khó khăn khác. Đó là thiết bị phục vụ việc số hóa và cài đặt phần mềm về CSDL cơ bản được trang bị đầy đủ, nhưng do đã lâu, cấu hình thấp nên khi cài đặt phần mềm về CSDL chạy rất chậm, không đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Ngoài ra, số lượng giấy tờ trong hồ sơ địa chính rất nhiều, việc quét tài liệu phục vụ số hóa cần các thiết bị chuyên dùng, có cấu hình cao.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, các chi nhánh VPĐKĐĐ mong muốn có CSDL để đưa vào khai thác tập trung và hạn chế dữ liệu bị phân tán, khó quản lý, thất thoát. Cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu số hằng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số. Ưu tiên nguồn lực, kinh phí bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng. Phát triển ứng dụng quản lý thông tin đất đai trên các thiết bị di động để người dân dễ dàng tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi…
“Khi được UBND tỉnh đầu tư phần mềm CSDL đất đai, VPĐKĐĐ tỉnh sẽ phối hợp Chi cục Quản lý đất đai, đơn vị tư vấn hoàn thiện phần mềm này. Hy vọng sau khi phần mềm CSDL đất đai đưa vào sử dụng, vận hành hoàn chỉnh sẽ góp phần giải quyết hồ sơ nhanh gọn và minh bạch hơn”. |
Ông NGUYỄN THÌN BẢY Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Bình Phước |
Việc vận hành, khai thác CSDL phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai đồng bộ, chính xác và hiệu quả sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt được nhu cầu của người dân và tình hình khai thác, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về thửa đất (tình trạng tranh chấp, giá đất, quy hoạch…).
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn