Việc phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Phước là yêu cầu cần thiết nhằm gia tăng các chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Trong đó, tập trung tổ chức sắp xếp, đầu tư, nâng cấp mạng lưới hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại; chủ động thu hút các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại biên giới (TMBG) cũng như phát triển nhanh các hoạt động kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT) tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước.
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Toàn tỉnh hiện có 58 chợ, 3 trung tâm thương mại, 5 siêu thị tổng hợp, 2 siêu thị chuyên doanh, 60 cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh và nhiều cửa hàng bán lẻ, cửa hàng chuyên doanh, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, TMĐT là xu hướng chung của hội nhập, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước theo hình thái mới.
Thương mại Bình Phước cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn
Cùng với xu hướng ứng dụng TMĐT trong mua sắm hàng hóa chung của cả nước, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tiếp cận nhanh việc mua sắm hàng hóa trực tuyến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,3 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động chiếm 99%, số thuê bao di động đạt 131/100 dân; thuê bao internet đạt 89/100 dân; 3 đơn vị đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT; 55 tổ chức, cá nhân có thông báo website bán hàng… 100% siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông đã triển khai cung cấp dịch vụ và chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng truyền thống vẫn là trở ngại để đẩy mạnh phát triển TMĐT của tỉnh, đa số vẫn còn sử dụng tiền mặt để thanh toán tại các cửa hàng, điểm bán lẻ. Mặt khác, nguồn lực công nghệ thông tin tại doanh nghiệp chưa đáp ứng; các phương tiện, ứng dụng TMĐT tại doanh nghiệp chưa đầy đủ…
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thời gian tới TMĐT sẽ thay thế thương mại truyền thống. Do vậy, Bình Phước phải xây dựng được sàn giao dịch điện tử cho các doanh nghiệp, tập trung số hóa nền kinh tế, trong đó có TMĐT.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI
Thương mại mậu biên từ các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, phụ và lối mở trên tuyến biên giới của tỉnh đang tăng dần tỷ trọng đóng góp vào năng lực ngoại thương của tỉnh. Hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng đa dạng hơn với khoảng 800 sản phẩm, tương ứng 1 tỷ USD mỗi năm, có khả năng hình thành luồng hàng hóa quy mô lớn từ các nước thứ ba, cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu rõ nét hơn. Bình Phước nhập khẩu từ Campuchia 18-21% tổng kim ngạch, trong khi xuất khẩu sang nước bạn 3-6% tổng kim ngạch.
Xe hàng tại Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư
Tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, đến nay thu hút được 91 dự án đầu tư với diện tích đất cho thuê 1.685 ha; có 38 dự án đã xây dựng và đi vào hoạt động, chủ yếu là thu mua nông sản với diện tích khoảng 140 ha, thu hút khoảng 400 lao động; 14 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích khoảng 91 ha, còn lại đang triển khai. Để phát triển TMBG, tỉnh đang có kế hoạch phát triển cả về hạ tầng cứng và mềm; khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực góp phần gia tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của địa phương. “Tôi cho rằng, TMBG phát triển được là khi chúng ta xây dựng được đường sắt nối từ Thành phố Hồ Chí Minh lên biên giới, kết nối với các nước Campuchia, Thái Lan, khi đó các cửa khẩu của Bình Phước mới là nơi trung chuyển hàng hóa” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thương mại, TMĐT, TMBG đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, sức mua thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng chưa cao, chỉ bằng 1% của cả nước; doanh thu hoạt động TMĐT chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. TMBG của tỉnh có quy mô nhỏ, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng. Để theo kịp tốc độ phát triển của vùng và thu hút được những nhà đầu tư thương mại lớn, như Aeon, Vincom… UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1707 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống thương mại, TMĐT và TMBG tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 339/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ, hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư
Ngoài những nội dung nhiệm vụ cụ thể được nêu trong Kế hoạch số 339, Sở Công Thương đã chủ động cùng các địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển thương mại nội tỉnh và biên mậu, cơ sở hạ tầng, khu vực dự kiến kêu gọi đầu tư, như: trung tâm logistics, cảng cạn ICD, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống, năng lực khai thác các công trình hiện hữu; lựa chọn ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm xúc tiến đầu tư và thương mại đưa vào trọng điểm xúc tiến đầu tư và xuất khẩu tại nước ngoài trong năm 2023.
Để thúc đẩy TMĐT, Sở Công Thương đã và đang cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bàn bạc về 4 mũi nhọn trong tình hình mới. Đó là, số hóa toàn bộ vùng trồng nông sản chủ lực trên hệ thống thông tin địa lý GIS như: cây điều, gỗ trồng, tiêu, cao su, sầu riêng, bưởi, dược liệu, trại chăn nuôi, phát triển dịch vụ logistics kết nối quốc tế đa phương thức, gắn với đào tạo nguồn nhân lực phân tán tới cấp xã; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh toàn diện về hạ tầng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc với các ứng dụng App Store/Platform nhập/xuất dữ liệu, iCloud, camera, cảm biến, máy quét/in mã vạch. Hoàn thiện chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từ vùng trồng ra thị trường nước ngoài; tăng tốc xuất khẩu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế, như: GlobalGAP, Organic, Fair trade... từ đó, hỗ trợ trở lại việc điều hành và quản lý ngành, quản lý nhà nước ở địa phương. |
Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh và Bộ Công Thương triển khai Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước dựa trên nền tảng TMĐT. Mục tiêu là để người dân, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp có một sân chơi chung, miễn phí để việc quảng bá sản phẩm, bán hàng, mua hàng quen dần với TMĐT trước khi lấn sân lớn hơn vào sàn Alibaba, Amazon, Postmart, Voso… có tính phí. Đây là bước đi cần thiết của một quá trình chuyển đổi số đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, nhiều đơn vị đã chính thức tham gia TMĐT trong và ngoài nước. Một số đơn vị bắt đầu có những thành công với nền tảng cao hơn như TMĐT xuyên biên giới, tức là xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng TMĐT đối với hạt điều, hạt tiêu và nhiều nông sản, thực phẩm, hàng hóa khác của tỉnh.
“Tôi nghĩ rằng Bình Phước cần tập trung nghiên cứu kỹ chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục tích cực chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu” - chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
“Bình Phước đi sau, nhưng không phải là không có cơ hội tăng tốc. Chính vì vậy, với các cụm giải pháp, chúng ta mong đợi sự tăng tốc các nguồn hàng đạt chuẩn, cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy nhu cầu giao dịch TMĐT tại tỉnh trong nước và xuyên biên giới thời gian tới”. Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Ngọc Long |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho TMĐT phát triển, nó nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Song song với đẩy mạnh phát triển thương mại, TMĐT thì việc phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, trung tâm logistics tại khu vực biên giới… cũng là việc cần thiết. Đây chính là giải pháp để phát triển thương mại, TMĐT và TMBG.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn