Cứ đến dịp hè, nguy cơ trẻ em đuối nước lại càng cao bởi đây là thời điểm học sinh được nghỉ học, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước hết sức thương tâm. Mới đây, ngay tại huyện Đồng Phú, cũng đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm. Thật đau xót trước vụ việc cả hai chị em ruột ở xã Tân Tiến đều chết đuối khi đi bắt ốc ở hồ. Trước đó, trưa 14-2, hai em N.U.H. và P.L.M.T., cùng 11 tuổi, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú), rủ nhau ra hồ Suối Giai (thuộc ấp Chợ, xã Tân Tiến) bắt ốc.Đến tối cùng ngày, người nhà 2 em không thấy con về đã bủa đi tìm kiếm, đồn g thời đến Công an xã Tân Tiến trình báo. Ngay sau đó, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an huyện Đồng Phú và Công an xã Tân Tiến nhanh chóng triển khai phương án tìm kiếm. Quá trình tìm kiếm dọc hồ Suối Giai, lực lượng chức năng phát hiện thi thể em H. nổi trên mặt nước cùng 1 đôi dép bỏ trên bờ. Tiếp tục tìm kiếm, đến 21h30 tối 14-2, lực lượng chức năng trục vớt được thi thể em T. dưới đáy hồ, cách nơi phát hiện thi thể em H. không xa.
Các em nhỏ được cha mẹ dạy bơi tại hồ bơi Tân Phú (Đồng Phú)
So với trẻ em ở nông thôn, trẻ em ở thành phố thường được gia đình quản lý chặt chẽ hơn. Mặt tích cực là tỷ lệ đuối nước rất thấp. Ngược lại, số biết bơi rất ít. Học phí các khóa dạy bơi cũng không thấp nên đâu phải phụ huynh nào cũng có thể cho con học bơi. Các em còn phải học thêm rất nhiều môn. Có cảm giác các bố mẹ thường ưu tiên việc học văn hóa, hay âm nhạc, hội họa, bóng đá hơn là bơi lội và các kỹ năng khác. Chương trình học bơi ở trường thường ngắn, còn nặng tính hình thức, chưa chú trọng hiệu quả nên không “đến đầu, đến đũa”. Thành thử, muốn con biết bơi thì cha mẹ phải đầu tư cho con học ở các trung tâm thể thao, thuê thầy cô dạy hoặc trực tiếp dạy cho con.
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, bãi biển trải dài nên bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước. Vậy mà, hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Việc trang bị cho các em những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chị Hạp Thị Lý ở ấp Minh Hòa, xã Tân Tiến cho biết, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghe nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm nên chị mong trường học và xã hội quan tâm, đầu tư trang bị cho các em kỹ năng bơi lội. Dù không phải là địa bàn có nhiều sông, suối hay bị mưa lũ thường xuyên, tuy nhiên việc bơi lội đối với học sinh theo chị rất cần thiết.Khi trường lập danh sách các em biết bơi để tham gia các cuộc thi cấp huyện, chị không ngờ con trai đoạt giải cao. Từ đó, chị cho con học nâng cao kỹ năng và bơi lội đã trở thành môn thể thao yêu thích của Tuấn sau những giờ học trên lớp.
Trong những năm học qua, Phòng GD-ĐT huyện Đồng Phú đã có công văn khuyến khích các trường học trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh cho con em đi học bơi và vận động xã hội hóa bơi lội trên địa bàn. Từ đó tuyên truyền cho phụ huynh về lợi ích việc phát triển môn bơi lội cũng như giúp các trường có kế hoạch sớm đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa ở học phần tự chọn.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em tham gia.
Công tác tuyên truyền cần được thúc đẩy mạnh hơn. Việc nhắc nhở, giáo dục học sinh nên đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện, những vụ việc để các em rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Cuối cùng, vai trò của phụ huynh vẫn là quan trọng nhất.