Ngoài cảnh quan, bản Sông Moóc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) còn hấp dẫn du khách bởi những nếp nhà trình tường của đồng bào Dao nằm giữa ruộng bậc thang.
Chắc hẳn không ít du khách tới Bình Liêu rất thích thú khi được tham quan ngôi nhà đất, mái ngói âm dương ngả màu rêu của đồng bào Dao nằm giữa thửa ruộng bậc thang tầng lớp, đẹp như một bức tranh. Giữa trưa hè nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời có thể hơn 40 độ nhưng bước vào ngôi nhà, bạn sẽ cảm thấy mát rượi.
Nhà trình tường gắn với cuộc sống của người Dao, được xây dựng nên từ sự sáng tạo của bà con với những đặc điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên. Môi trường sống ở trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt tác động sâu sắc đến kiến trúc, cách thức xây nhà. Vậy nên, ngôi nhà trình tường của đồng bào Dao thường được làm bằng đất, lợp ngói âm dương với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè vừa thuận tiện cho sinh hoạt, chống được kẻ gian, thú dữ.
Một căn nhà trình tường nằm lưng chừng đồi của một hộ người Dao ở bản Sông Moóc B, xã Đồng Văn (Bình Liêu).
Địa điểm xây nhà phải là nơi cao ráo, khuất gió, gần nương và nguồn nước để tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Kỹ thuật xây dựng nhà trình tường cũng thể hiện được sự khéo léo tài tình của người Dao.
Nhà trình tường làm từ chính những vật liệu sẵn có ở môi trường sống xung quanh. Ngoài phần móng vững chãi kè bằng đá và đất có thể nhô cao hơn mặt sân, người Dao có kỹ thuật làm tường nhà khá cẩn thận, cầu kỳ.
Anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện, người quan tâm nghiên cứu về nhà trình tường, chia sẻ: Để tường nhà chắc phải làm chiếc khuôn bằng gỗ rồi cào đất đã sàng vào khuôn gỗ ván, cầm chày gỗ thay nhau giã đến khi đất kết dính với nhau, tháo khuôn ra không rơi là được. Hết tầng thứ nhất, lại tháo khuôn gỗ làm tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao 50-70cm. Đất giã và nện càng nhuyễn và chặt thì sau này tường sẽ không bị nứt. Tường đất của ngôi nhà thường cao 5-6 lượt tầng ván khuôn, cá biệt có gia đình làm cao 7- 8 tầng khuôn, tường dày từ 50-60 cm.
Ngoài đặc trưng mát, tường trình đất rất bền chắc. Sở dĩ vậy, bởi đất làm tường được chọn rất kỹ là đất sét, đất cao lanh hay đất thịt ở ruộng được lọc hết các tạp chất. Để thêm phần vững chãi, phần trọng tâm và 4 góc nhà thường được gánh bằng các cột gỗ. Vách, tường nhà làm bằng đất, thêm xương, cốt là các cây gỗ nhỏ, hoặc tre được ngâm nước kỹ.
Mái nhà trình tường được lợp bằng ngói âm dương theo kết cấu sấp - ngửa đan xen. Kết cấu này giúp hấp thụ nhiệt rất tốt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Đa phần các ngôi nhà trình tường người Dao đều theo một kiểu, kết cấu, to nhỏ tuỳ điều kiện. Ngoài ra, cũng có một loại nhà trình tường xây bằng gạch, cá biệt xây bằng đá, tuy nhiên tốn kém hơn. Tuổi thọ của nhà trình tường có thể đạt 30-50 năm.
Nhà của người Dao Thanh Phán được xây dựng theo một chỉnh thể chung gồm có ba gian. Nơi sinh hoạt gia đình thường được bố trí ở giữa, hai bên là các gian ngủ. Thóc sẽ được để khu riêng hoặc để ở tầng lửng, đựng trong các bồ rất lớn đan bằng tre.
Bà con ngồi thêu trang phục truyền thống trước cửa nhà là hình ảnh thường thấy khi du khách ghé thăm nếp nhà của người Dao ở Sông Moóc.
"Do điều kiện, gần đây những ngôi nhà kiểu này đang bị mai một và mất đi khá nhiều. Chính vì thế, huyện Bình Liêu đang tính toán lưu giữ những giá trị văn hoá đặc trưng đó để bảo tồn và phát triển du lịch. Theo đó, sẽ có những bản văn hoá tập trung các khu vực có cảnh quan, điều kiện văn hoá đặc trưng. Sông Moóc là một nơi có điều kiện tốt, để xây dựng bản văn hoá Dao vừa để giáo dục truyền thống vừa để thu hút du khách tới tham quan" - ông Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng Văn hoá Thông tin huyện chia sẻ.
Một điểm thuận lợi là mật độ nhà trình tường ở Sông Moóc cao, trên 60% là nhà trình tường. Hiện các ngôi nhà trình tường cũng là địa điểm được nhiều du khách quan tâm tham quan mỗi khi tới đây.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn