Sau tập truyện cực ngắn Bên bờ sông hoang vắng và tập tản văn Chiều nay trời thật đẹp, tháng 7 vừa qua, nhà báo Linh Tâm ra mắt tiếp tập sách “Miền yêu dấu”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. Đó là những tản văn và truyện cực ngắn - thế mạnh của Linh Tâm từ khi chị còn công tác tại Báo Bình Phước.
“Miền yêu dấu” và tác giả Linh Tâm
Trong xu thế của thời kỳ số, con người bị cuốn trong bộn bề công việc thì tản văn và truyện cực ngắn là những loại hình được nhiều người đọc ưa thích. Với dung lượng câu từ không nhiều, truyện cực ngắn như những lát cắt đa màu của cuộc sống. Bề dày kinh nghiệm làm báo giúp Linh Tâm thuận lợi trong việc cô đọng, hàm súc trong lối viết. Và những trải nghiệm cuộc đời, trải nghiệm của nghề báo, nhất là trái tim phụ nữ giàu lòng trắc ẩn đã in dấu ấn trong từng câu chuyện.
Những trang viết hiện thực đầy ám ảnh
Những trang viết của Linh Tâm là những trang đời chân thực, được phản ánh qua góc nhìn sắc sảo của một nhà báo. Nhưng chị không dừng ở bề mặt của cuộc sống mà luôn khám phá nó ở sự đa dạng, ở tầng sâu của thăm thẳm tâm hồn bằng sự cảm thông và lòng trắc ẩn.
Người đọc sẽ gặp một anh Đức, doanh nhân thành đạt trong “Thằng dở hơi”, người có tính cách trung thực, thẳng thắn từ nhỏ. Trong khi tất cả học sinh được thầy cô dạy rằng, cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám là hình tượng đẹp về đức tính hiền lành, nhân hậu, chịu thương chịu khó của người phụ nữ với thông điệp “ở hiền gặp lành” thì Đức chê Tấm là “thù dai”, “mít ướt”, là “giang hồ chợ búa” và có dẫn chứng hẳn hoi… Vì cái tính thẳng thắn mà Đức nhiều phen gặp rắc rối và bị bạn bè gọi là “Thằng dở hơi”. Và khi trở thành doanh nhân, cái tính ngay thẳng cũng khiến Đức nhiều phen thất bại khi bị đối thủ cạnh tranh bằng cách “đi đêm”. Từ một người “đường hoàng đi cổng chính”, để tồn tại Đức cũng buộc phải “thập thò ở cổng sau như thằng ăn cắp”. Ý thức được việc ấy là xấu, nhưng anh chấp nhận mang tiếng xấu để được làm những việc vừa có lợi cho bản thân vừa có lợi cho nhiều người khác là được thi công hệ thống đường trên quê hương mình, để có thể “để lại một điều gì đó tốt đẹp ở cái nơi mà mình đã được sinh ra, lớn lên”. Đó chính là giá trị tư tưởng, là tính nhân văn trong truyện “Thằng dở hơi” cũng như nhiều truyện khác của Linh Tâm.
Rồi một ông Quyền luôn có uy với thiên hạ, nhất là với vợ con, thuộc cấp khi còn là giám đốc, bỗng ngậm ngùi cay đắng khi đến tuổi “về vườn” trong truyện “Con đốm”. Thói đời “còn bạc còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm hết gạo, hết ông tôi” hiển hiện rõ nét trong truyện ngắn này. Người đọc chợt thấy chua xót về nhân tình thế thái trước ý nghĩ của ông Quyền: “Nếu được cải kiếp làm người, liệu con Đốm có còn trung thành với ông như những tháng ngày qua hay không?”.
Những truyện: Quà tết, Món quà giáng sinh, Cú lừa ngoạn mục, Thằng bé thật thà, Đêm trắng… đều là những bức tranh hiện thực được vẽ lên bằng những con chữ nhiều sức gợi. Có những vui buồn đan xen, có nỗi lặng lẽ nhẫn nhịn nhiều hơn niềm vui, có luật nhân quả, có niềm tin và có cả những ước vọng về cuộc sống sẽ tốt hơn ngày hôm qua.
Những tâm tình đằm sâu, da diết
Đến với “Miền yêu dấu” cũng là đến với những tâm tình đằm sâu, da diết yêu thương. Linh Tâm dành biết bao tình yêu thương khi viết về bà, về mẹ, về những phụ nữ tảo tần nhưng trái tim luôn nồng ấm và yêu thương. Tâm tình ấy được thể hiện rõ nét qua những truyện: Bà tôi, Một cuộc tiễn đưa, Quà tết… hay những tản văn: Tản mạn mùa vu lan, Hiu hiu gió bấc, Khắc khoải mạ non, Ngày xưa thương nhớ…
Thế giới nhân vật của Linh Tâm phần lớn là hình ảnh những người đàn bà xưa và nay. Mỗi nhân vật một gia cảnh nhưng họ hiện lên gần gũi như đang hiện hữu quanh ta. Ta gặp họ trong trang sách rồi lắng lại trong niềm cảm thông, sự quý trọng và chợt bồi hồi day dứt khi đọc những dòng văn như những lời sám hối “Từ lâu tôi đã buông lơi bàn tay cha mẹ mình mà không hề hay biết. Tôi cứ tưởng mình là đứa con hiếu đễ, nhưng thực ra tôi đã bỏ quên cha mẹ mình trong đủ đầy vật chất” - trong Tản mạn mùa vu lan. Những dòng tự sự ấy đã chạm vào và thức tỉnh những ai trong chúng ta về sự vô tâm với đấng sinh thành. Đọc tác phẩm của Linh Tâm, thêm thấm thía “Văn học là một tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống mà ai soi vào cũng thấy có mình trong đó”.
Nhưng có lẽ, lặng thương và ám ảnh hơn cả trong tập sách là tác phẩm Miền yêu dấu. Đó chính là miền quê xứ Thanh của chị, nơi đất mẹ sinh thành, nơi đã nuôi dưỡng, găm sâu vào máu thịt của Linh Tâm bao yêu thương, khắc khoải, day dứt khi cuộc sống buộc chị phải rời xa miền quê ấy. Người đọc không khỏi ám ảnh trước cuộc dứt áo ra đi của cha mẹ chị, cũng chính là của bản thân tác giả khi buộc phải nhận một tỷ đồng để trả lại căn nhà và mảnh vườn - nơi lưu dấu bao buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc của cả gia đình cho chủ dự án. Hình ảnh người mẹ vẫn ra vườn bắt sâu, nhổ cỏ trên mấy luống rau và bắt ngọn cho mướp leo giàn khi máy xúc đã tiến đến sát hàng rào; hình ảnh hai ông bà chống cằm ngồi nhìn ra khoảng sân đầy nắng nơi có đàn chim sẻ đang lích chích mổ những hạt vừng; hình ảnh người mẹ bần thần trước một đống hổ lốn những đồ dùng suốt bao năm qua nhưng không thể mang theo khiến người đọc day dứt, buồn đến nao lòng.
Hầu hết các tác phẩm trong tập sách đều có cái kết đầy sức gợi bằng những hình ảnh, những câu hỏi chất chứa nỗi trăn trở, niềm khắc khoải và nỗi ước mong của người cầm bút về những gì sáng hơn, ấm áp và nghĩa tình hơn sẽ đến với những nhân vật của mình - đến với cuộc đời. Có thể nói, Miền yêu dấu chính là những gì “Không thể không viết, không thể không ghi lại để nhớ về và chia sẻ” của Linh Tâm. Vì thế mà nó mộc mạc, gần gũi và ủ ấm trái tim người đọc!
Nguồn tin: 24hbinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn