Những chiếc bánh Trung Thu độc đáo, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người làm ra chúng, lan tỏa niềm vui và sự tích cực trong Rằm tháng Tám đặc biệt.
Hộp bánh Trung Thu độc đáo mất gần hai tháng mới hoàn thành của chị Nguyễn Thu Thảo. (Ảnh: NVCC)
Từ đầu mùa Trăng tháng Tám, nhiều gia đình đã hào hứng chuẩn bị nguyên liệu để tự tay làm ra những chiếc bánh Trung Thu phù hợp với khẩu vị, tạo không khí đoàn viên và giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Tết Trung Thu năm nay rơi vào khoảng thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội bởi COVID-19, do đó nhiều người có cơ hội thể hiện sự sáng tạo không giới hạn.
'Nướng' bánh trong... hai tháng
Khi chị Nguyễn Thu Thảo (1992) chia sẻ hình ảnh những chiếc bánh Trung Thu tự tay làm, “không cần lò, không dầu mỡ, không sợ béo” lên mạng xã hội, bài đăng đã thu hút hàng chục nghìn lượt thích và bình luận.
Thoáng qua, những chiếc bánh có vỏ vàng nâu của bánh nướng truyền thống, màu tím khoai môn, màu xanh matcha… song khi nhìn kỹ, mọi người bỗng thấy “có gì đó sai sai.” Hóa ra, đó là những chiếc bánh được đan móc bằng len hết sức sống động.
Cận cảnh chiếc bánh Trung Thu không dầu mỡ, không cần nướng. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Thu Thảo cho hay khi Trung Thu tới gần mà mọi người phải ở trong nhà vì giãn cách xã hội, chị bỗng thấy thèm vị ngon của chiếc bánh truyền thống, thèm không khí đoàn viên quây quần bởi nhà mẹ chỉ cách 2km mà không thể gặp nhau được.
“Từ đó, mình bỗng nảy ra ý tưởng làm một chiếc bánh Trung Thu bằng len. Qua tìm hiểu thì mình thấy chưa ai làm mà việc đan móc vốn là sở trưởng của mình,” chị Thảo chia sẻ.
Năm 2018, chị Thảo biết đến Amigurumi, môn nghệ thuật về đan móc len. Ban đầu, Thảo chỉ đơn giản muốn đan áo cho con gái sắp sinh. Sau khi tìm hiểu, chị bỗng học thêm được những kỹ thuật đan khó và càng ngày chị càng say mê với những con thú bông, thời trang và vật dụng từ len.
Để làm ra những chiếc bánh độc đáo, Thảo đã ngắm bánh Trung Thu thật rất kỹ, tham khảo mẫu mã từ nhiều hãng khác nhau, tìm hiểu các dụng cụ làm bánh và cả những chiếc bánh hand-made được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội.
Thảo tự lên mẫu thiết kế, tạo hình khuôn bánh và hoa văn bề mặt. Chị phải thử đi thử lại nhiều lần để tạo hình được khuôn bánh gần với kích thước thật và hoa văn sắc nét, có hồn. Để hoàn thành một set bánh Trung Thu bốn chiếc, chị mất gần hai tháng.
Mâm cỗ Trung Thu có đủ cả đèn ông sao. (Ảnh: NVCC)
Chị cũng đang làm thêm những chiếc bánh khó hơn như bánh Trung Thu hình hoa sen, bánh 1 trứng, 2 trứng, sẽ dành để “phá cỗ” vào đúng đêm Rằm.
Mâm cỗ ngoài bánh Trung Thu còn có đèn lồng đỏ và đèn ông sao, tất nhiên, chúng đều được móc từ len.
“Mình rất bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ, động viên, khen ngợi của mọi người. Trước tiên, mình làm vì muốn mang đến một niềm vui nho nhỏ cho bản thân và con gái, sau đó mình chia sẻ lên mạng xã hội để lan tỏa cảm xúc tươi mới, tích cực cho cộng đồng trong dịp Trung Thu đặc biệt này,” chị Thảo tâm sự.
Bánh nướng cỡ đồng tiền xu
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, mâm cỗ Trung Thu không thể thiếu những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hình con giống nhỏ xinh, có đôi mắt làm từ hạt đậu đen láy. Trẻ nhỏ thời ấy vốn yêu những chiếc bánh này hơn là những chiếc bánh vuông vức nhân thập cẩm.
Những chiếc bánh nướng hình chú lợn của chị Nguyễn Như Quỳnh. (Ảnh: NVCC)
Nhớ về Tết Trung Thu thời ấy, chị Nguyễn Như Quỳnh (Hà Nội) đã tự tay nặn những chiếc bánh xinh xắn hình con cá, con lợn và chia sẻ trên trang cá nhân. Đáng chú ý là những chú lợn màu vàng nâu được đặt bên cạnh một đồng tiền xu, cho thấy kích thước siêu nhỏ so với những chiếc bánh nướng thông thường.
Chị Quỳnh hóm hỉnh bật mí: “Bánh Trung Thu của mình có thể trường tồn theo thời gian. Ưu điểm của những chiếc bánh này là sẽ không bị hư hỏng qua năm tháng nhưng nhược điểm lớn nhất là lại không thể ăn được.”
Thì ra những chiếc “bánh” này được làm từ một loại đất sét đặc biệt, thường dùng để làm những món ăn trưng bày trong tủ kính tại các nhà hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Dựa vào hình ảnh minh họa, thực khách có thể hình dung ra món ăn.
Chị Như Quỳnh làm kinh doanh, không liên quan đến ẩm thực nhưng tạo hình các món ăn bằng đất sét lại là một thú vui của chị trong nhiều năm.
Những chiếc bánh giống y như thật. (Ảnh: NVCC)
Chị cho hay mỗi món ăn đều có những đặc điểm riêng nên đòi hỏi một kỹ thuật riêng. Từ khi quan sát, tìm hiểu sản phẩm cho đến lúc bắt tay vào hoàn thành tác phẩm luôn trải qua rất nhiều bước.
Khi bắt đầu, chị đã tự mày mò học hỏi trên YouTube, tự đặt nguyên liệu từ nước ngoài để thực hành.
“Tôi tự học trên YouTube và tham khảo những hình ảnh đồ ăn thực tế để có thể hoàn thiện tác phẩm. Mô hình đồ ăn đất sét đòi hỏi kỹ thuật khá tỷ mỷ để có thể miêu tả được độ chính xác của sản phẩm. Bước đầu là bước pha màu cho sản phẩm. Bước 2 là tạo hình, đây là bước quyết định độ chân thực của sản phẩm nên tôi sử dụng khá nhiều dụng cụ khác nhau, từ gỗ, kim loại đến silicone. Mỗi dụng cụ sẽ tạo ra đường nét, hiệu ứng khác nhau cho sản phẩm. Tiếp theo là bước dặm màu, cuối cùng là sơn một lớp phủ để bảo vệ sản phẩm,” chị chia sẻ.
Tiệm bánh đặc biệt của chị Nguyễn Như Quỳnh. (Ảnh: NVCC)
Trước đây, chị Như Quỳnh dành từ 8 đến 12 tiếng "nghịch" đất sét mỗi ngày. Khi làm mẹ và bận rộn với việc kinh doanh, chị chỉ làm khi có thời gian rảnh rỗi. Sau hơn 10 năm tạo tác, chị đã sở hữu bộ sưu tập gần 1.000 sản phẩm “tí hon” đa dạng từ hoa quả, đồ ăn, tiên nữ, người cá, búp bê…
Trong cả quá trình, chị chỉ dùng một chiếc đèn bàn, đủ ánh sáng soi trực tiếp. Chị cho biết trung bình một sản phẩm sẽ mất tầm 4-5 tiếng, nếu phức tạp hơn có thể cần vài ngày để hoàn thiện.
“Do tình hình dịch bệnh nên thời gian ở nhà khá nhiều, công việc cũng giảm đi nên mình có thời gian nhiều hơn cho đất sét. Tôi có tình yêu đặc biệt dành cho ẩm thực Việt Nam. Tôi mong rằng mọi người sẽ biết nhiều hơn về ẩm thực của chúng ta thông qua loại hình nghệ thuật mới này,” chị nói thêm.
Hình ảnh những chiếc bánh Trung Thu đặc biệt:
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
(Ảnh: NVCC)
Nguồn tin: Nguồn TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn