Thứ sáu, 19/04/2024, 17:48
CHUYÊN NGHIỆP - KỶ CƯƠNG - NĂNG ĐỘNG - SÁNG TẠO - HIỆU QUẢ

Tự hào tinh thần chống Pháp của người S’tiêng

Thứ hai - 13/03/2023 21:58 650 0

Cách đây 90 năm, Điểu Son và anh em Điểu Mốt, Điểu Môn đã giết quận trưởng Sông Bé vào sáng 13-3-1933. Sự kiện đã được ghi vào lịch sử, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa xây dựng di tích lịch sử. Qua nghiên cứu tài liệu và kết quả khảo sát, bài viết sẽ nêu chi tiết liên quan đến sự kiện này.

Cuộc mở mang diện tích các đồn điền cao su Pháp

Theo sách Vấn đề dân tộc ở Sông Bé thì: "Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiếm đất của người S’tiêng để làm đồn điền cao su, đẩy người S’tiêng lùi sâu vào rừng núi phía Bắc nên đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, dân số của người S’tiêng" (Mạc Đường 1985, tr.91-93). "Vào đầu thế kỷ XX (1910), ở Thủ Dầu Một có 78 làng người Việt và 50 làng người S’tiêng, dân số cả tỉnh là 108.631 người; năm 1926, người S’tiêng có 11.945 người” (Mạc Đường 1985, tr.17-20).

Năm 1905, thực dân Pháp (do C. Sanne chỉ huy) bắt đầu trồng thử nghiệm cây cao su trên vùng đất đỏ Sông Bé. “Sau thử nghiệm thành công (năm 1907), thực dân Pháp mở ngay đồn điền Xa Trạch với diện tích ban đầu 1.107 ha, đến năm 1909 lên đến 200.000 ha. Năm 1926-1927, diện tích cao su ở miền Đông Nam Bộ phát triển nhanh chóng đứng thứ 6 trên thế giới sau Mã Lai, Inđônêxia, Brazil…; năm 1931 lên đến 351.854 ha. Đến năm 1937, cao su miền Đông Nam Bộ (diện tích lớn nhất là ở Sông Bé) đã đứng thứ 3 trong các nước sản xuất cao su trên thế giới” (Mạc Đường 1985, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, tr.19-20).

Tác giả trao đổi với ông Điểu Chon (bìa phải), người có uy tín thôn 6, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tại nhà của anh Điểu Khôn (cháu ông Điểu Mốt, Điểu Môn)

Khởi đầu cuộc nổi dậy chống Pháp

Theo tác giả Mạc Đường (Lịch sử chống xâm lăng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Bộ 1858-1975, tr.28-29) thì đầu thế kỷ XX nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy của đồng bào "làng Tchery Meang ở Phước Long đã đánh bại nhiều cuộc tiến công vào làng của kẻ thù kéo dài trong nhiều ngày, giết chết nhiều tên địch, trong đó có tên chỉ huy người Pháp vào năm 1906” (hiện vẫn chưa rõ địa danh “Tchery Meang ở Phước Long” nằm ở đâu). Và Mạc Đường còn nhắc đến các thủ lĩnh người S’tiêng tham gia chống Pháp (Henri Maitre và Trupho) “làng Bu-nor (phía Bắc Biên Hòa) vào tháng 9 năm 1914” (hiện vẫn chưa xác định địa danh “Bu-nor (phía Bắc Biên Hòa)” ấy ở đâu). Khi xem bản đồ trên Google thì thấy Bu Non ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú (Km12 đi vào), có thể nằm trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú hoặc xã Phú Trung hay xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng (chưa chắc chắn để khẳng định Mạc Đường đã viết nhầm Bu Non thành Bu Nor). Đây là điểm chưa có trong danh mục di tích lịch sử của Bình Phước. Sự kiện khác được nhắc đến chính là đồng bào đã giết chết GATILLE (người Pháp, quận trưởng Bù Đốp vào năm 1925) sau 1 năm nhậm chức, do áp dụng một chính sách cai trị cực kỳ tàn ác (Lưu Ty 1972, Non nước Phước Long, tr. 24-25).

Và cuộc nổi dậy của Điểu Son, anh em Điểu Mốt, Điểu Môn

Ngày 19-5-2021, tôi khảo sát tại Bu N'hai ở thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng và đến gặp các cháu của ông Điểu Mốt, Điểu Môn tại thôn 6, xã Đoàn Kết được nghe rất nhiều câu chuyện về ông Điểu Son và anh em Điểu Mốt, Điểu Môn. Theo lời kể, gia đình Điểu Mốt và Điểu Môn có 6 anh em (Điểu Mốt, Điểu Môn, Điểu Jrăp, Điểu R’Nhiêm, Điểu Bay và một em gái mất khi chạy giặc lúc 17-18 tuổi); cha là Điểu Sung (quê Bu N'hai) và mẹ là Điểu Thị Kleh (quê Bu Môn, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng). Điểu R’Nhiêm bị giặc bắt bên Dak R’Lâp; Điểu Jrăp bị bắt và bị giam tại nhà tù Bà Rá, sau đó bị giặc bắn chết.

Bu N’hai trước đây còn có tên Bri N’hai (rừng có thác nước), Dak N’hai (suối N’hai gồm Dak Nhui và Dak Siêt) đổ về Dak Wơr (khúc trên cầu 38). Ông Điểu Son là người S’tiêng Bu Bin (nay thuộc thôn 4, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng), sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả.

Theo tác giả Lưu Ty 1972, sau khi “kế hoạch đã được bàn kỹ lưỡng, sáng 13-3-1933, khi trời chưa sáng hẳn, rừng núi còn sương mờ bao phủ thì từ các làng xa xôi, hẻo lánh, đồng bào người S’tiêng từng nhóm lên đường tiến về địa điểm đã bố trí, người nào cũng mang cung tên, chà gạt. Tất cả nhóm trong tổ chức đều khéo ẩn núp hai bên đường để chờ lệnh của người cầm đầu.

Sáng hôm đó, như thường lệ, ông Morère (quận trưởng Sông Bé) cùng phụ tá là Ngưu Thới ngồi trên 2 con ngựa nai nịt gọn gàng để chỉ huy dân phá rẫy làm đường và ghé thăm vợ đang cai quản đồn điền tại Phú Riềng. Khi đi đến cây số 41 (phía dưới cầu 38, quốc lộ 14 cũ) thì gặp một nhóm người S’tiêng do Điểu Mốt cầm đầu chặn ngựa lại và xin thuốc hút. Ngưu Thới nhìn nhóm người này hơi khả nghi nên khoát tay, nói là không có thuốc. Khi ông Morère đang nói chuyện thì từ phía sau Điểu Mốt và Điểu Môn, nhóm người S'tiêng chém 2 nhát vào bả vai Morère, tiếp đó là tiếng la, tiếng hú, họ chém liên tiếp đến khi Morère ngã dưới chân ngựa, ông ta không kịp rút súng bắn lại (súng giắt dưới giày ống chân). Ngưu Thới thấy Morère bị giết tính rút súng bắn vào nhóm người S’tiêng, nhưng chưa kịp hành động thì từ bốn phía đã thấy lô nhô từng đoàn người xuất hiện, khi thấy Morère chết, Ngưu Thới quất ngựa bỏ chạy nhưng cũng bị một mũi tên bắn trúng đùi.

Theo lời kể (cháu Điểu Mốt, Điểu Môn), nhóm người S’tiêng còn nói với Ngưu Thới đi đi, nếu không sẽ “wiêh par tak par” tức chà gạt, giáo sẽ bay tới. Không bao lâu (sau khi Morère chết), lính Pháp kéo về các làng truy lùng để bắt những người cầm đầu đã giết Morère. Điểu Son, Điểu Mốt, Điểu Môn và một số người bị bắt, họ bị giam tại nhà tù Bà Rá (Điểu Mốt trốn thoát), Điểu Môn bị đày ra Côn Đảo rồi bệnh chết.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông Voisine (Quận trưởng Quận núi Bà Rá) bị quân Nhật bắt, Nhật mở các nhà giam thả tù nhân. Điểu Son trở về làng Bu Bin trong niềm hân hoan đón tiếp của dân làng. Từ đó Điểu Son tuyên truyền cho dân làng hiểu về sự tủi nhục của người dân nô lệ, ở trong tù lâu năm tiếp xúc với nhiều nhà chính trị, trình độ hiểu biết của Điểu Son được mở rộng. Khi trở về, Điểu Son càng căm thù giặc Pháp hơn xưa, vì đã chịu sự tra tấn dã man của chúng.

Năm 1946, người Pháp quay trở lại, Voisine trở về làm quận trưởng và đã đi khảo sát các làng vào năm 1947 để chỉnh đốn lại. Khi đến Bu Bin, trong làng không có ai ra đón tiếp, Voisine bực bội cho rằng dân làng cố ý chống đối và chợt nhớ ra làng này có Điểu Son, một người chống đối chính quyền và tham gia giết Morère, ông ta liền ra lệnh vây bắt Điểu Son. Ông Voisine dẫn lính vào, vừa đến nhà, khi vừa thấy ông Voisine xuất hiện trước mặt, Điểu Son liền lấy chà gạt chém ngay ông Voisine, chà gạt vừa bổ xuống, ông Voisine né qua một bên chỉ trúng cánh tay, quân lính thấy vậy xông vào bắt Điểu Son.

Lần thứ hai vào tù, Điểu Son bị xiềng chân và nhốt kỹ, ông không hy vọng được thả do đó nhiều lần tìm cách trốn thoát. Năm 1952, nhân sự lơ là của lính quản ngục, Điểu Son phá xiềng thoát ngục, nhưng đã bị lính canh gác gần đó phát hiện, bắn chết. Điểu Son đã gục ngã cách nhà giam 200m (gần phường  Sơn Giang, thị xã Phước Long ngày nay) (Non nước Phước Long, tr.137-140).

Có lẽ, ít ai biết đến sự kiện này nếu không nghiên cứu lịch sử. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Phước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Đăng cần nghiên cứu, khảo sát để xây dựng di tích lịch sử, nghiên cứu để đặt tên đường như nhân vật N’Trang Long. Một mặt là để ghi công lao Điểu Son, Điểu Mốt, Điểu Môn đã anh dũng chống thực dân Pháp. Thứ hai là tuyên truyền về truyền thống yêu quê hương, đất nước của thế hệ cha ông. Thứ ba là góp phần bổ sung vào danh mục di tích lịch sử của tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Bù Đăng nói riêng.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết thông tin

Các đơn vị sự nghiệp

 
Untitled 1

TTVH1
TDTT1
BT1
TV1
DC1
 

BC

Báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch 9 tháng đầu năm Phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023

Thời gian đăng: 09/10/2023

lượt xem: 734 | lượt tải:142

Số 2021/KL-SVHTTDL

Kết luận thanh tra chấp hành quy định pháp luật về chuyên môn, tổ chức cán bộ, tài chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Bảo tàng tỉnh

Thời gian đăng: 15/08/2023

lượt xem: 926 | lượt tải:173

18/2023/QĐ-UBND

Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/11/2023

lượt xem: 562 | lượt tải:86

TL52

Thể lễ cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 (năm 2023)

Thời gian đăng: 28/02/2023

lượt xem: 1629 | lượt tải:213

355/ĐL-SVHTTDL

Điều lệ Giải Việt dã truyền thống tỉnh Bình Phước năm 2023

Thời gian đăng: 23/03/2023

lượt xem: 1589 | lượt tải:207
Thông tin dịch vụ công
Công tác tuyên truyền
dichvucong
Công tác thanh niên
http://chinhphucdinhcaobara.vn/vi/
VNeID
covid 19
app bluezone
UPU
banner 300x150 PA2
Thống kê
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay14,555
  • Tháng hiện tại246,845
  • Tổng lượt truy cập8,249,986
ĐÁNH GIÁ ĐỘ HÀI LÒNG

Mức độ hài lòng của bạn thế nào?

global html

SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm: Phó Giám đốc phụ trách Trần Thế Anh
Địa chỉ: Số 778, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Phone/fax: 0271.3883160 - Email của Sở: svhttdl@binhphuoc.gov.vn
Email BBT: Banbientapsovhttdlbinhphuoc@gmail.com

web basic 2x
ipv6 ready
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây