Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố thuộc miền Đông Nam bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và cả Bình Phước. Lợi dụng tình hình này, một số cá nhân đã thu mua lương thực, thực phẩm thiết yếu… tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái từ các tỉnh, chợ đầu mối. Sau khi gom hàng, họ đem bán lại với giá cao, làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân.
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Đặc biệt, vào ngày 17-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Ngay sau khi thông tin nêu trên được công bố, ở nhiều địa phương đã xảy tình trạng thu gom các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, trứng, nước uống đóng chai… và bắt đầu từ trưa ngày 17 đến cuối giờ chiều 18-7, tất cả mặt hàng nêu trên đều tăng giá với tốc độ phi mã. Nhiều loại rau xanh và các loại quả có thể cất trữ được lâu như bầu, bí, chanh, cam,… có giá tăng gấp đôi so với ngày thường.
Trước hết phải khẳng định, lợi dụng tình hình dịch bệnh để thu gom hàng hóa rồi bán ra với giá cao để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của từng tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử phạt hành chính, tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có quy định như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Cũng trong Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, tại khoản 1, Điều 17 có quy định: Mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Và tại điểm a, điểm b, khoản 1 trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: Mức phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính với các loại hàng hóa: Thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung, cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác. Những trường hợp này, giá trị hàng hóa bị thu gom bất hợp lý càng cao, mức phạt càng tăng. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh còn bị tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, có quy định về tội đầu cơ, theo đó người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì tùy thuộc vào giá trị hàng hóa và số tiền thu lợi bất chính mà hình phạt có thể lên đến 15 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, mức phạt cao nhất là 9 tỷ đồng, bên cạnh đó còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.
Nguồn tin: 24h Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn