Nghề đan lát của người S’tiêng ở Bình Phước đã hình thành từ lâu đời. Họ có câu “đàn bà không biết dệt vải lấy gì mà mặc, đàn ông không biết đan gùi lấy gì mà mang”. Quan niệm này cho thấy sự cần thiết của nghề đan lát đối với đời sống người S’tiêng, đồng thời cũng cho thấy có sự phân công lao động rất rõ: đàn ông đan gùi, đàn bà dệt vải. Sản phẩm đan lát của người S’tiêng khá đa dạng, từ những vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đến các sản phẩm phục vụ hoạt động lao động, sản xuất, sử dụng trong lễ hội.
Nhóm sản phẩm gắn với hoạt động lao động, sản xuất của người S’tiêng phải kể đến là dụng cụ đánh bắt cá như sneng (đồ xúc cá), ống trúm, xor (giỏ đựng mũi tên) khi đi săn.
Sor - gùi chuyên để đi làm mai mối của người S’tiêng Bù Đek - Ảnh: Đức Ngự
Phổ biến, đa dạng nhất phải kể đến nhóm sản phẩm vật dụng gắn với sinh hoạt hằng ngày. Có hơn 10 loại sản phẩm thuộc nhóm này, trong đó nhiều nhất là các vật dụng mang sau lưng mà nhiều người vẫn quen gọi là gùi. Thực tế, người S’tiêng cũng như các dân tộc khác, không có vật dụng nào gọi là gùi. Mỗi loại (dùng để đeo sau lưng) đều có tên gọi khác nhau gắn với cấu trúc, chức năng của chúng. Chẳng hạn, xá là vật dụng chuyên để đựng lúa, gùi lúa từ chòi rẫy về nhà; khiêu là vật dụng đeo trước bụng, dùng để đựng lúa khi thu hoạch. Họ đeo khiêu trước bụng, từ rốn trở xuống, sau đó dùng tay tuốt bông lúa rồi cho vào khiêu, khi đầy thì đổ vào xá.
Sản phẩm ntố - nia của người S'tiêng - Ảnh: Hữu Hiến
Các loại khác như dung, woai - npơl (hay npưl) là loại đan hở, có lỗ trên thân, chủ yếu dùng để gùi bắp, củi, ống đựng nước. Trong các loại đeo ở sau lưng của người S’tiêng, sản phẩm đặc biệt là chiếc, chỉ để đi làm mai mối trong hôn nhân. Nét khác biệt để nhận diện vật dụng này là chiếc chân đế với kiểu trái khế bằng chất liệu gỗ.
Trong các sản phẩm đan lát, một số sản phẩm gùi của người S’tiêng thường được trang trí hoa văn, chủ yếu ở 1/3 thân dưới (từ đế lên) và 1/3 thân trên (từ miệng xuống). Cách làm này tạo tính thẩm mỹ hơn. Vật liệu dùng để đan cũng như nhuộm nguyên liệu tạo hoa văn cho sản phẩm đều được người S’tiêng khai thác từ tự nhiên.
Một loại vật dụng khác của người S’tiêng cũng rất đáng chú ý là ntố - chiếc nia sàng gạo. Một số nơi, vật dụng này được đan với dạng hình tròn nhưng phổ biến hơn là đan như hình trái tim. Kiểu đan này vừa tạo cho sản phẩm có dáng đẹp vừa dễ sử dụng khi sảy gạo, lúa. Ở một số dân tộc vùng Tây Nguyên, các dân tộc như Bana, Xơ Đăng, M’nông cũng đan vật dụng này với hình dạng tương tự, nhưng họ gọi là hình giọt nước. So về mỹ thuật, vật dụng nia của người S'tiêng ở Bình Phước có cách đan đa dạng hơn, kiểu giống hình trái tim và trông đẹp hơn.
Sản phẩm đan lát của người S’tiêng còn có đan tấm trải sàn. Trước đây, người S’tiêng không sử dụng chiếu để ngủ hay trải sàn nhà mà dùng một loại sản phẩm đan lát do chính họ làm ra. Người S’tiêng Bù Đek lấy cây run (loại cây mọc hoang dại) chẻ ra và đan thành tấm trải có kích thước khoảng từ 1,8x2,4m (tùy theo độ dài của cây khai thác được), sau đó trải trên sàn nhà để sử dụng. Người S’tiêng Bù Lơ dùng lá cây dứa dại đan thành mảnh, trải trên sàn để ngủ. Khi gia đình có người mất, họ cũng sử dụng vật dụng này để bọc thi hài và đưa đi chôn. Ngày nay, người S'tiêng không còn sử dụng các sản phẩm này, phần vì nguyên liệu không còn, phần vì đã có sản phẩm khác (chiếu) thay thế.
Có thể nói trước đây, các sản phẩm đan lát của người S’tiêng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú, người S’tiêng đã tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, sản phẩm đan lát của người S’tiêng cũng có thay đổi nhất định. Có những sản phẩm vẫn giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng nhưng cũng có loại không còn tồn tại do sản phẩm khác thay thế.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn