Đặc biệt hơn, “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này là nguồn động viên khích lệ tinh thần rất lớn để cộng đồng người Tày, Nùng… trên địa bàn tỉnh luyện tập và cùng nhau giữ gìn, bảo tồn giá trị di sản then.
Gìn giữ và phát huy di sản
Những năm 1990, một số cộng đồng người Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn… di cư vào các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng… của tỉnh Bình Phước để lập nghiệp và trong hành trang mang theo của họ có cả hát then, đàn tính.
Buổi ban đầu kinh tế khó khăn, do không có điều kiện, những người yêu hát then giữ gìn làn điệu ấy cho riêng mình. Khi kinh tế ổn định hơn, họ có cơ hội ngồi lại cùng nhau sinh hoạt, tập luyện hát múa thường xuyên, rồi thành lập nhóm gây dựng phong trào. Từ đó, ngày càng đón nhận thêm nhiều thành viên cùng niềm đam mê ở các thôn, ấp. Đến nay, cộng đồng người Tày, Nùng đã gây dựng được 4 câu lạc bộ hát then ở Bù Đăng với số thành viên lên đến hơn 50 người. Không chỉ sinh hoạt mang tính giải trí mà họ còn đi biểu diễn giao lưu nhiều nơi, mang tiếng hát của đồng bào mình hòa cùng âm sắc của các dân tộc ở những địa phương khác.
Bà Hoàng Hồng Loan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng chia sẻ: Tuy chưa giỏi lắm nhưng các chị em trong câu lạc bộ cũng thường đi giao lưu ở tỉnh Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh nhiều lần, với tinh thần vui là chính. Năm 2017, câu lạc bộ tham gia liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước và cũng có giải đem về.
Thời gian qua, phong trào hát then không chỉ phát triển mạnh ở huyện Bù Đăng mà được nhân rộng trên địa bàn huyện Đồng Phú khi ở đây đang có 4 câu lạc bộ, với gần 60 thành viên tham gia, chủ yếu ở các xã Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Phước, Đồng Tiến, Thuận Lợi… Đa phần các thành viên có độ tuổi từ 45-65, họ là những nông dân, tiểu thương và cả người hoạt động trong các hội, đoàn thể ở địa phương.
Mong trẻ hóa hát then
Từ những nhóm nhỏ ban đầu, khi đã hình thành câu lạc bộ hát then, các thành viên sinh hoạt quy củ và dần chuyên nghiệp hơn. Từ đây, việc truyền dạy, lan tỏa hát then đến với người dân trong khu dân cư để làm phong phú thêm phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được các câu lạc bộ quan tâm định hướng và duy trì hoạt động. Qua đó góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Bà Triệu Thị Bường hướng dẫn thế hệ trẻ người Tày, Nùng học đánh đàn tính, luyện hát then - Ảnh: Đặng Hùng
Bà Triệu Thị Bường, thành viên Câu lạc bộ hát then xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú thường xuyên hướng dẫn đồng bào mình ở các xã khác biết chơi đàn, luyện hát. Bà bày tỏ: Tôi dạy chị em từ chưa biết gì đến lúc có thể đàn hát được và tất cả đều miễn phí. Tôi cũng tình nguyện chịu hết chi phí đi lại, mong sao ngày càng có nhiều chị em cùng cố gắng giúp đỡ nhau luyện tập để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Anh Sầm Minh Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then xã Đồng Tiến cho biết, hát then đang được nhân rộng ở những người lớn tuổi nhưng lại khó tiếp cận thanh thiếu niên. Với những người tâm huyết gìn giữ và lưu truyền di sản của dân tộc thì làm sao để hát then trẻ hóa trong đồng bào dân tộc bằng cách truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn, nhất là đối tượng học sinh là điều khiến họ trăn trở…
Một buổi sinh hoạt của CLB hát then xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước- Ảnh: Đặng Hùng
Nhận định về ý thức gìn giữ hát then, vốn quý của đồng bào Tày, Nùng ở địa phương, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng cho rằng: Ý thức giữ gìn di sản hát then của dân tộc Tày, Nùng ở Bù Đăng rất cao. Họ tự giác giữ gìn, phát huy bằng việc thường tổ chức những hoạt động giao lưu và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, họ còn truyền dạy cho nhau cách làm cây đàn tính để tạo nguồn nhạc cụ, tiện sinh hoạt.
Các thành viên CLB hát then Đồng Tiến ở nhà văn hóa ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến- Ảnh: Đặng Hùng
Các câu lạc bộ hát then trên địa bàn tỉnh được hình thành từ niềm đam mê và tình yêu của đồng bào Tày, Nùng từ quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Họ sinh cơ lập nghiệp ở đây và tìm đến nhau hợp thành nhóm, câu lạc bộ hay mô hình để cùng nhau tập luyện và gìn giữ hàng chục năm qua. Điều này đang khẳng định giá trị tinh thần to lớn của di sản này trong lòng quần chúng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các cấp, ngành chức năng đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm nguồn lực nội sinh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn