Sáng ngày 17/3, tại bàu Kapot thuộc Phum Thum (Sóc Lớn), chính quyền địa phương phối hợp với Ban trụ trì chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh tổ chức lễ hội Phá Bàu của người Khmer. Toàn cảnh trên cao của lễ hội Phá Bàu tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh
Truyền thống của lễ hội (Dua Tpeng) Phá Bàu
Ông Lâm Bắc - Trưởng ban hội tử chùa Sóc Lớn xã Lộc Khánh cho biết, từ năm 1925 đến năm 2023, gần 100 năm nay, Ban trụ trì chùa đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các già làng đã tổ chức 98 lần lễ hội Phá Bàu, đây hoạt động lễ hội truyền thống, là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở xã Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, đồng thời là dịp để cộng đồng người Khmer trong và ngoài sóc gặp gỡ, chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm trong lao động sản xuất với nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhắc nhớ các giá trị văn hóa của cộng đồng được lưu giữ. Đây cũng là hoạt động chào mừng năm mới Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.
Người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cư trú gần những bàu (hồ) nước tự nhiên từ trên một héc ta đến vài héc ta. Bàu ở gần sóc, phum (thôn/ấp/bản) và được xem là tài sản chung của cộng đồng sóc đó, già làng của sóc đó là người đại diện quản lý. Các hồ nước này ít khi cạn khô mà chỉ hạ thấp mực nước vào mùa khô và dâng cao mực nước vào mùa mưa. Do tính ổn định nên các loài thủy sản nước ngọt như cá, cua, lươn... thường sinh sôi nảy nở và sinh trưởng quanh năm ở các bàu nước này.Hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại lễ hội Phá Bàu
Việc quản lý bàu nước không chỉ để dùng làm nguồn nước uống cho gia súc mà quan trọng hơn, chính các loài thủy sản nước ngọt trong các bàu là một trong những tài sản lớn của cộng đồng, cung cấp cho cộng đồng một nguồn thực phẩm dồi dào. Họ quan niệm rằng đây là những sản vật do thần linh ban tặng cho dân làng, do đó việc quản lý và khai thác, sử dụng phải có quy trình hết sức nghiêm ngặt, trang trọng. Theo quy định chung của cộng đồng, khi chưa có được sự đồng ý của già làng, không ai được đánh bắt thủy sản ở trong bàu, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Để quản lý bàu nước, người Khmer luôn cử một người trông nom, bảo vệ, đồng thời có trách nhiệm xem xét xem đến lúc nào đủ điều kiện để đánh bắt cá dưới bàu thì báo cho già làng biết để quyết định tổ chức lễ hội. Lễ hội này được cộng đồng người Khmer gọi là Dua Tpeng (nghĩa là xuống bàu, phá bàu). Họ cũng quy định sẽ ấn định ngày cho cả cộng đồng cùng tổ chức lễ hội Dua Tpeng để khai thác thủy sản trong bàu. Thông thường, họ sẽ tổ chức lễ hội vào cuối mùa nắng (khoảng tháng Ba Âm lịch), trước khi tổ chức Tết Chol Chnam Thmây của người Khmer. Thời điểm này cũng phù hợp với điều kiện thời tiết (cuối mùa khô), khi nước trong bàu đã cạn và khi các loài thủy sản cũng đủ lớn có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động của lễ hội, cũng như làm thực phẩm cho các hộ gia đình.
Lễ hội Dua Tpeng là một hoạt động văn hóa đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua các thế hệ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trước đây, Lễ hội Dua Tpeng được cộng đồng người Khmer duy trì ở nhiều nơi, riêng xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cũng tổ chức lễ hội tại các bàu nước như: bàu K’Poot, bàu Sa Lét, bàu Cá lóc, bàu Sen…. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức lễ hội chỉ còn được người Khmer duy trì hàng năm ở khu vực xã Lộc Khánh, các bàu nước trong xã bị chuyển đổi chức năng, người dân và chính quyền địa phương thống nhất chỉ giữ lại bàu Sen để cộng đồng thực hiện lễ hội Dua Tpeng. Lễ hội cơ bản vẫn được tổ chức theo truyền thống, không có nhiều thay đổi.
Các nghi lễ tại lễ hội Dua Tpeng
Để thực hành nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội, có 4 thành phần am hiểu các phong tục, tập quán và có uy tín trong cộng đồng được lựa chọn, gồm: Già làng làm chủ lễ, một đại diện cho người lớn tuổi nhất trong sóc, một người sắp xếp lễ vật và một người phụ giúp. Trước ngày tổ chức, Già làng cùng các thành viên trong cộng đồng sẽ họp bàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Công tác chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh sẽ được già làng và một số thành viên lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng trực tiếp chuẩn bị. Các lễ vật sẽ được chuẩn bị thành hai phần, một phần cúng tại miếu Ông Tà và một phần dùng để cúng thần linh tại bàu nước - nơi diễn ra lễ hội Dua Tpeng. Đặc biệt, lễ vật cúng thần linh có đầu heo luộc từ con heo do Già làng đã chọn từ trước, được một trong các gia đình của người Khmer trong cộng đồng nuôi bằng hình thức chăn thả, ăn các thức ăn từ tự nhiên. Khi cắt phần đầu heo, người làm thịt phải khéo léo để lại phần thịt ở cổ khi luộc dây thịt phía sau cổ sẽ được quấn lên che lại phần ngang mắt của đầu con heo. Các già làng của phum, chuẩn bị các vật lễ để cúng tại lễ hội
Để tham gia lễ hội, các gia đình cũng chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: nơm, gùi, dụng cụ xúc cá, giỏ đựng….; chuẩn bị một số đồ ăn: cơm ống, nước uống, trầu cau, canh thụt, cá nướng... và trong đó không thể thiếu là rượu trắng.Đồng bào Khmer cùng các vật dụng truyền thống để chuẩn bị xuống bàu bắt cá
Trước đây, Già làng còn trang trí cho chiếc xe bò của mình thật đẹp để đi lễ hội: dùng một sợi dây rừng dài, cột 13 chiếc lục lạc bằng đồng đủ loại theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và đeo vào cổ con bò kéo xe đưa Già làng đi tham gia lễ hội. Đến giờ đi lễ hội, chiếc xe bò của già làng chở đầy lễ vật, vật dụng xuất phát, khi xe bò di chuyển trên đường, tiếng lục lạc trên cổ con bò vang lên âm thanh lóc cóc, cư dân nghe tiếng kêu biết là đã đến giờ đi tham dự lễ hội, cứ thế mọi người bắt đầu lục tục kéo nhau đi lễ hội. Tuy nhiên, ngày nay do phương tiện xe bò không còn được duy trì tại cộng đồng người Khmer xã Lộc Khánh, nên hoạt động này không còn duy trì trong lễ hội Dua Tpeng.Các sư chủ trì tụng kinh cầu bình an cho nhân dân trước khi diễn ra lễ hội
Làm chòi tạm: Chiều hôm trước khi diễn ra lễ hội, thanh niên trong các sóc tiến hành làm chòi, bao gồm một chòi lớn cho các Già làng và các vị đại biểu ngồi tham dự và mỗi sóc một chòi riêng để bà con tham dự lễ hội Dua Tpeng tránh nắng, tổ chức các hoạt động giao lưu. Cũng trong buổi chiều hôm đó, tại nhà Già làng còn diễn ra các hoạt động như tập dượt lại các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống sẽ trình diễn tại lễ hội; chuẩn bị làm thịt heo, nấu cơm ống, canh thụt, xôi... để làm lễ vật cúng thần linh. Các chòi còn được trang trí các vật dụng truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer
Sáng sớm ngày hội, những người lớn tuổi trong các sóc tập trung tại nhà Già làng chuẩn bị các lễ vật và làm cây bông bằng lá trầu để đi cúng thần linh. Sau đó, già làng cùng một số người phụ giúp đã được phân công mang phần lễ vật đến miếu Ông Tà cúng để xin phép được tiến hành lễ hội Dua Tpeng. Khi các nghi lễ cúng tại miếu Ông Tà kết thúc, các thành viên di chuyển về bàu nước để tiến hành các nghi lễ của lễ hội Dua Tpeng.Sau khi lễ cầu an xong, các đông bào đã góp chút công đức cho các sư cầu bình an cho năm sau
Tại bàu nước, lễ vật được đặt tại hướng Tây của bàu nước, già làng nhìn về hướng Đông để cúng. Già làng thông báo lý do của buổi lễ và thực hiện nghi lễ cúng xin thần linh cho phép bà con xuống bàu bắt cá. Già làng ngồi tại mâm cúng để khách đến tham dự lễ hội chào hỏi cũng như mời rượu cảm ơn. Sau khi thực hiện xong các nghi thức, bà con tổ chức các trò chơi truyền thống như: Bós Chhun (ném khăn), trò chơi Léc Com Seng (dấu khăn) và Bon Pul Treng (thuốc cá bằng trái buông). Các trò chơi này có các bài hát kèm theo, những người chơi vừa thực hiện các động tác của trò chơi vừa hát các bài hát có liên quan để cổ vũ, làm cho không khí vui hơn, rộn ràng hơn. Trò chơi bịt mắt đập Niêu được thanh niên hưởng ứng tham gia nhiệt tình
Đặc biệt, trò Bon Pul Treng, một nghi thức truyền thống, giã trái buông thả xuống bàu nước làm cho cá và một số loài thủy sản trở nên lờ đờ, bắt dễ dàng hơn. Trái buông giã xong, thả xuống nước, Già làng sẽ cầm tù tà vừa thổi vừa đi ba vòng quanh bàu nước. Khi thực hiện xong, Già làng sẽ dùng dùi gỗ đánh vào chiếc mõ ba tiếng, đây là thông điệp cho phép dân làng được xuống bàu đánh bắt thủy sản. Lúc này, người dân với những vật dụng đã được chuẩn bị từ trước sẽ nhanh chóng tiến xuống bàu nước để đánh bắt. Những người trên bờ sẽ hát Lâm vông, múa Lâm thôn để động viên, cổ vũ, tạo nên không khí náo nhiệt. Ánh mắt vui mừng của đồng bào khi bắt được chú cá đầu tiên tại lễ hội
Theo quan niệm của người Khmer xã Lộc Khánh, khi tham gia lễ hội Dua Tpeng, trong quá trình bắt cá, ai bắt được con cá to trước thì được xem là có phúc, họ sẽ dâng cho Già làng để thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người lớn tuổi. Ngoài ra, các gia đình khi bắt được cá, đưa lên bờ cho thành viên trong gia đình chế biến để thưởng thức và làm thực phẩm giao lưu hoặc cất cẩn thận để đem về nhà dùng trong thời gian tới. Ở trên bờ, những người đàn ông tổ chức nướng cá cũng như chế biến các món ăn truyền thống để giao lưu, hát múa với các điệu múa, bài hát truyền thống,… Khi thủy sản dưới bàu nước được thu hoạch hết cũng là lúc kết thúc lễ hội.
Những con cá to khi bắt được, người dân sẽ dành tặng cho các già làng
Bảo tồn, gìn giữ văn hoá của lễ hội Dua Tpeng
Lễ hội Dua Tpeng là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh nói riêng và cộng đồng người Khmer Bình Phước nói chung. Lễ hội Dua Tpeng còn thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường sống, môi trường tự nhiên của con người với cách khai thác nguồn lợi lâu dài, bền vững, là nơi bảo tồn các công cụ đánh bắt truyền thống của người Khmer. Lễ hội Dua Tpeng thể hiện tính giáo dục, văn hóa ứng xử cộng đồng, đó là những hành động tôn trọng quy tắc ứng xử, tôn tri trật tự, thể hiện lòng tôn kính “bề trên” và những người có công lao đối với dân làng. Lễ hội Dua Tpeng cũng là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, thể hiện sự giao lưu tình cảm sâu sắc không chỉ giữa các cư dân trong sóc mà cả với các cộng đồng cư dân ở các khu vực khác. Những cuộc giao lưu tại lễ hội làm xóa đi khoảng cách không gian, xóa đi những định kiến, hiềm khích lẫn nhau trong suốt thời gian một năm qua. Qua đây, những trai thanh gái lịch cũng có điều kiện tìm hiểu nhau, tỏ bày tình cảm tình yêu cho nhau. Lễ hội Dua Tpeng còn là nơi những món ăn truyền thống được duy trì, phát huy. Có thể nói rằng, nghệ thuật ẩm thực của người Khmer được thể hiện rất phong phú qua lễ hội Dua Tpeng. Đại diện Bộ VH-TT-DL tại TP.HCM (bìa phải) trao chứng nhận lễ hội Phá Bàu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo và người dân địa phương. Ảnh: Hoàng Giáp.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Dua Tpeng (Phá bàu) của người Khmer được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4615/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Lễ hội Dua Tpeng là lễ hội truyền thống lâu đời, là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú và thể hiện nhiều giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, đa dạng của cộng đồng người Khmer ở xã Lộc Khánh huyện Lộc Ninh.