Tháng Ba về, tôi lại nhớ mẹ da diết bởi ngày giỗ mẹ rơi vào tháng Ba, tháng mà cả xã hội tôn vinh người phụ nữ. Bao lời hay ý đẹp dành tặng bà, tặng mẹ, tặng những người phụ nữ mình yêu quý mãi quẩn quanh trong đầu tôi. Tôi tiếc nuối vì mình còn kiệm lời yêu thương với mẹ, chưa biết nói lời cảm ơn thì mẹ đã đi xa. Bao hồi ức đẹp đẽ về mẹ hiện rõ mồn một, tôi không dám tin là mẹ đã rời xa chị em tôi đã 25 năm rồi.
Ảnh minh họa
Đang miên man thưởng thức bài “Lòng mẹ” thì chợt nghe tiếng rao: “Ai đậu hũ nước đường hôn….”, tôi bật ngay tiếng gọi: “Đậu hũ… Ơ đậu hũ”, làm như không gọi to người ta đi mất. Tôi mua hai chén, định bụng phải ăn cho đã. Miếng đậu hũ đưa vào miệng mềm và mịn, thơm lừng mùi đậu nành với lá dứa, nước cốt dừa beo béo cuốn hút, miếng gừng cay cay. Ôi chao nhớ mẹ, nhớ cái mùi vị thơm thơm ngọt lịm của chén đậu hũ ngày nào…
Không rõ mẹ bán đậu hũ từ bao giờ, tôi chỉ biết xong mùa vụ, nhàn rỗi là mẹ lại ngâm đậu nành xay nấu đậu hũ đi bán dạo.
Mẹ hay kể câu chuyện đi bán đậu hũ rồi giúp cán bộ cách mạng dạo Tết Mậu Thân 1968 cho chị em tôi nghe, nghe hoài mà tôi vẫn thích và hồi hộp không khác gì chi tiết trong phim Biệt động Sài Gòn.
Lần đó, đã qua ngày ông Táo về trời, mẹ vẫn nấu đậu hũ đi bán để kiếm tiền mua cho chị em tôi bộ đồ mặc tết. Vừa đặt gánh xuống, mới múc được cho mẹ con bà bán vải hai chén thì một người đàn ông sùm sụp mũ vải ngồi sán vào nồi đậu hũ. “Dạ mời bác…”. “Không, nhờ chị… Nếu… Lát nữa mà yên tôi sẽ quay lại”. Chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy người đàn ông mở nắp nồi đậu hũ rồi nhanh chóng thả một bọc đen đen vào. Đầu chợ đằng kia tiếng quát tháo, tiếng chửi thề hỗn độn. Hình như người ta đang truy đuổi người nào đó mà vẫn chưa bắt được. Lính tráng đi xa, mẹ lững thững gánh nồi đậu hũ về. Nồi đậu có “vật thể lạ” như vầy làm sao bán được nữa. Ngang miếu ông Địa, bất thần người đàn ông đội mũ vải chui từ ruộng mía ra. Ông nhìn thấy nồi đậu hũ còn đầy, móc hết túi này đến túi khác mà chỉ có mấy tờ bạc lẻ: “Cảm ơn chị. Hôm nay không gặp được chị thì chắc tôi và đồng đội gặp khó rồi. Không có nhiều, một chút gọi là… Đền nồi đậu hũ cho chị”. “Nhà bác nói lạ, giúp được cách mạng cái gì, dân chúng tôi phải góp công góp của chứ. Bác giữ lấy tiền, còn nhiều việc phải chi tiêu mà…”. “Rốt cục, bọc đen đen má sắp nhỏ nói ông cách mạng gửi vô nồi đậu hũ nhà mình là cái gì vậy?” – ba tôi hỏi. “Không biết cái chi nhưng hình như khẩu súng và giấy tờ tài liệu gì đấy, được gói kỹ trong giấy bóng kính”. “Ừa, thế là mừng, người không sao, vũ khí tài liệu không sao. Nhà mình góp với cách mạng một nồi đậu hũ thì đâu có to tát gì. Má sắp nhỏ thấy tôi nói đúng không?”.
Nhẩn nha thưởng thức chén đậu hũ nước đường có gừng giã dập, nước cốt dừa sanh sánh beo béo thơm ngầy ngậy khiến tôi nhớ hình ảnh của mẹ mấy mươi năm về trước…
Nghĩ mà thương mẹ vô cùng. Gánh đậu hũ của dì đây mới thuận tiện nhẹ nhàng làm sao, chén muỗng bằng nhựa vừa nhẹ vừa đẹp, bình đá giữ nhiệt cả ngày. Ngày xưa muốn giữ nóng mẹ luôn ủ than bên dưới nồi đậu. Than nhiều nóng sợ cháy đậu, ít than thì bán một lúc nồi đậu nguội ngắt, mất ngon cho nên bán một hồi mẹ lại phải quạt than giữ lửa. Chén ăn đậu ngày xưa của mẹ nặng chịch làm cho gánh hàng thêm oằn đôi vai gầy yếu tội nghiệp. Đã vậy lại còn thêm cái kệ bằng gỗ để úp chén, đựng đường vừa nặng vừa cồng kềnh. Nay nhìn chiếc kệ bằng nhựa gọn gàng nhẹ tênh vừa mừng cho dì bán đậu hũ, vừa thương mẹ bội phần.
Mẹ kể gánh đậu hũ theo mẹ từ khi là cô bé mười lăm tuổi. Không biết duyên nợ thế nào mà gánh đậu theo suốt cuộc đời mẹ, rồi truyền sang cả chị dâu tôi.
Nhờ gánh đậu mà bữa cơm gia đình tôi tươm tất hẳn, sách vở bút mực cũng từ đó mà ra. Nhà bảy đứa sàn sàn nhưng học hành đều đến nơi đến chốn. Mỗi ngày hai lần bán dạo, mẹ gánh hết lo toan nhọc nhằn cho chị em tôi hồn nhiên học hành. Chị em sau giờ học, đứa phụ xay đậu, đứa rửa chén bát, đứa vắt nước cốt dừa để mẹ nghỉ ngơi thêm chút nữa. Tôi là đứa chuyên nạo dừa và vắt nước cốt cho mẹ. Có hôm lỡ dùng nước nóng quá, đôi tay tôi đỏ lựng bỏng rát, thế mà vẫn vui. Không biết có phải ăn nhiều đậu hũ đẹp dáng, trắng da không mà cả mấy chị em tôi đến giờ đã qua cái tuổi tứ tuần mà da dẻ vẫn còn sáng đẹp. Hễ thấy gánh đậu hũ đi qua tôi lại gọi mua, lại nói vui: “Ăn đậu hũ cho đẹp da”. Thực ra tôi “đang ăn hoài niệm”, ăn để nhớ mãi hương vị thân thương đã theo tôi suốt thời thơ ấu và để ôn lại kỷ niệm về người mẹ hiền tần tảo của mình, nhớ hình ảnh mẹ với đôi quang gánh. Mẹ quảy hết lo toan bộn bề của cuộc sống. Mẹ rong ruổi làng trên xóm dưới mang sách vở, cơm no áo ấm cho cả đàn con thơ mà trên môi luôn thường trực nụ cười, luôn nói lời yêu thương, luôn quan tâm từ đứa lớn cho đến đưa nhỏ. Thương mẹ, nhớ mẹ, nhớ lắm đậu hũ ơi!
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn